Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Các Tổ chức tín dụng gần đây nhất (lần 8) đã quy định các NHTM không được cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, khiến nhiều người băn khoăn vì những bất cập.
Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 1997 chưa có điều khoản cụ thể nào liên quan đến việc NHTM cấp tín dụng cho đầu tư, kinh doanh CK (cho vay CK). Khi TTCK VN được thành lập và phát triển thì các NH coi việc cho vay CK như một hình thức cấp tín dụng thương mại bình thường khác.
Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 1997 chưa có điều khoản cụ thể nào liên quan đến việc NHTM cấp tín dụng cho đầu tư, kinh doanh CK (cho vay CK). Khi TTCK VN được thành lập và phát triển thì các NH coi việc cho vay CK như một hình thức cấp tín dụng thương mại bình thường khác.
Thời kỳ 6 tháng cuối năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007, mức cho vay đầu tư CK (cả niêm yết và OTC) của các NH đã tăng rất nhanh (một số NHTMCP tỉ lệ cho vay CK lên tới trên 50%/tổng dư nợ). Đây cũng chính là thời kỳ TTCK diễn biến phức tạp, tăng trưởng rất nóng.
Trước xu hướng vốn tín dụng tăng trưởng khá nóng, việc các NHTM cho vay để đầu tư, kinh doanh CK có nguy cơ rủi ro rất cao do TTCK đang điều chỉnh theo xu hướng giảm. Trong khi đó, việc thu thập thông tin từ thị trường để đánh giá, quản trị rủi ro còn bất cập, tháng 5.2007, NHNN đã có Chỉ thị 03 khống chế dư nợ cho vay, chiết khấu chứng từ có giá (GTCG) để đầu tư, kinh doanh CK ở mức dưới 3%/tổng dư nợ của các TCTD.
Tháng 2.2008, NHNN có Quyết định 03 quy định tổng dư nợ cho vay, chiết khấu GTCG để đầu tư, kinh doanh CK không vượt quá 20% VĐL của TCTD. Quy định này đến nay vẫn còn hiệu lực thi hành.
Sau hơn 1 năm TTCK liên tục điều chỉnh giảm sâu, cộng với việc thanh tra, giám sát chặt chẽ của NHNN, dư nợ cho vay CK của các NHTM đến giữa năm 2008 đã giảm gần một nửa so với thời điểm cuối năm 2007. Năm 2008 cũng là năm một số NHTM CP gặp rủi ro vì khách hàng vay kinh doanh CK không thể trả nợ đến hạn và giá CK mà NH giải chấp thấp hơn nhiều thời điểm cho vay.
Phải cấm để hạn chế rủi ro?
Trong mục "Các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD" (dự thảo Luật Các TCTD) đã cấm NHTM không được cho vay đầu tư, kinh doanh CK. Quy định này mặc dù được nhiều ý kiến ủng hộ vì cho rằng theo thông lệ quốc tế tốt nhất thì hoạt động cho vay đầu tư CK là một hoạt động môi giới chứ không phải hoạt động NH do tính chuyên biệt và có rủi ro cao của hoạt động này, việc cho vay đầu tư CK thường chỉ nên được thực hiện bởi các Cty môi giới CK hoặc Cty con của các Cty môi giới CK.
Đây cũng chính là quan điểm đã được ông Fiach Mc Cane - nguyên là Trưởng bộ phận nghiên cứu của NH Đầu tư SLB (Đức) tại Nhật Bản, Giám đốc nghiên cứu của Cty Vinacapital đề cập đến trong một bài viết mà NHNN đã tham khảo khi chuẩn bị ban hành Chỉ thị 03 năm 2007. Quan điểm của ông Fiach Mc Cane hiện còn để lại dấu ấn khá rõ trong quy định không cho phép các NHTM cho vay CK của dự thảo Luật Các TCTD lần này.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn vì những bất cập của quy định trong hai vấn đề: Thứ nhất: Định chế tài chính nào ở VN sẽ cấp tín dụng cho TTCK trong những năm tới khi mà ở VN chưa có mô hình NH đầu tư mà mới chỉ có mô hình NHTM đa năng? Nếu cho rằng việc cấp tín dụng này là của các Cty con, Cty liên kết thì các Cty này ở VN cũng không đủ năng lực để thực hiện. Như vậy, nếu dự thảo Luật Các TCTD được thông qua thì sẽ có một khoảng trống về hành lang pháp lý cho hoạt động cấp tín dụng cho TTCK.
Thứ hai: Hầu hết các nước trên thế giới không cấm NHTM cho vay CK và không quy định tỉ lệ cho vay CK/tổng dư nợ. Họ giám sát và hạn chế bằng các yêu cầu về quản lý rủi ro là chính. Các NHTM tự chịu trách nhiệm để quản trị rủi ro cho vay CK của mình. Vậy việc cấm các NHTM VN và chi nhánh NH nước ngoài ở VN cho vay CK liệu có phù hợp với thông lệ và có độ mở cho sự phát triển và hội nhập của các NHTM VN, trong thời gian tới hay không?
Sẽ ảnh hưởng đến TTCK
Đến giữa năm 2008, tổng dư nợ cho vay CK của các NHTM còn khoảng gần 6.600 tỉ đồng. Số dư nợ này đến nay chắc cũng chưa tăng nhiều vì từ đó đến đầu năm 2009 các NH rất hạn chế cho vay CK. Giả sử các NHTM cho vay hết hạn mức 20%/VĐL (chứ không phải 3%/VĐL như một số báo đã đưa tin gần đây) thì với mức VĐL hiện tại số vốn tối đa các NHTM có thể cho vay CK lên tới 7.000 tỉ đồng.
Nếu dự thảo sửa đổi Luật Các TCTD được Quốc hội thông qua vào đầu năm sau như dự kiến thì tác động của việc các NHTM không được cho vay CK sẽ tác động rất lớn đến thị trường (cho dù các cơ quan quản lý cũng phải có lộ trình để các NHTM rút dần dư nợ như thời gian thực hiện Chỉ thị 03) làm cho nguồn cung CK tăng lên trong khi sức cầu của thị trường có hạn bởi khách hàng (NĐT) nhiều khả năng phải bán CK để có tiền trả nợ vay.
Đó là chưa kể với việc thông qua Luật Các TCTD vào thời điểm này, NHNN đã gián tiếp gửi tới TTCK một thông điệp mang sự cảnh báo rằng "TTCK còn rất nhiều rủi ro" thì làm sao giúp NĐT tăng thêm niềm tin để đổ vốn vào giúp TTCK sớm hồi phục?
Ngoài ảnh hưởng đối với thị trường và các NĐT, các NHTM cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi mà cho vay CK đang là một hoạt động kinh doanh của NHTM. Nếu quản trị rủi ro tốt thì đây vẫn là phân khúc thị trường đem lại nguồn lợi nhuận ổn định (như việc cho vay kinh doanh CK theo phương thức T+3 hiện nay mà các NHTM đang làm)... Đây chính là những bất cập mà những nhà soạn thảo luật nên cân nhắc trước khi trình Quốc hội thông qua.
Để kết thúc bài báo này, người viết xin mượn ý kiến của ông Qiao Yide - Phó Tổng thư ký Hội đồng Xúc tiến phát triển kinh tế Yangtze Delta - Shanghai - Hongkong (lưu vực sông Dương Tử - Thượng Hải - Hồng Kông) phát biểu tại bàn tròn: "Củng cố hệ thống tài chính toàn cầu: Điều tiết và đổi mới" trong khuôn khổ Hội nghị doanh nghiệp Châu Á lần thứ 19 của Asia Society (4.2009) tại TPHCM:
"Trong một thế giới mà dòng vốn di chuyển nhanh, cần cải tiến, áp dụng sáng tạo các sản phẩm tài chính. Trung Quốc đang CK hoá các loại tài sản một cách mạnh mẽ hơn. Đừng thấy những gì xảy ra ở Mỹ (mua bán sản phẩm phái sinh vượt tầm kiểm soát) mà sợ quá, nên tránh xa, không dám làm. Vấn đề là sử dụng công cụ tài chính như thế nào để các công cụ đó hiệu quả và tạo ra niềm tin".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Vui lòng viết Tiếng Việt có dấu !