Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

Quản trị tài chính và các vấn đề lớn

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Tài chính là công việc sáng tạo và lý thú, tuy nhiên để trở thành chuyên viên giỏi sẽ khó hơn nhiều so với công việc kế toán. Thật vậy, với chuyên viên kế toán chỉ cần có kiến thức kế toán nhất định, đức tính cẩn trọng và làm việc vài năm tích lũy kinh nghiệm là đạt yêu cầu. Trong khi nhiều chuyên viên tốt nghiệp đại học ngành tài chính, công tác nhiều năm vẫn không đáp ứng yêu cầu công việc.

Bởi vì để trở thành một chuyên viên tài chính thực sự, không chỉ nắm kỹ thuật và có kinh nghiệm; mà cần có khả năng am tường hoạt động kinh doanh của công ty trong bối cảnh nền kinh tế đa dạng. Từ đó dẩn đến khả năng diển dịch và dự đoán được tình hình và xu thế kinh doanh dưới dạng đồng vốn, để quản trị đồng vốn đạt hiệu quả cao cho hoạt động kinh doanh. Khả năng này không chỉ bằng tích lũy kinh nghiệm trong công tác, mà cần có kỹ năng thu thập chọn lọc thông tin, phân tích và đưa ra các giải pháp hợp lý nhất.

kienthuctaichinh.com xin được phép đăng lại bài của ThS. Đinh Thế HIển. Đây là phần trao đổi với các học viên sau khi trải qua khóa học Phân tích Tài chính Đầu tư cao cấp

Phải chăng có một số tố chất bắt buộc để chọn theo ngành này, Không phải siêng năng mà là kiên trì; Không phải cẩn thận mà là tỉnh táo; Không phải chuẩn mực mà là tưởng tượng táo bạo; Không phải là sự tính toán tỉ mỉ chính xác mà là khả năng khái quát hóa với sự làm chủ sai số và xác suất. Đó có phải là sự kết hợp giữa tính lãng mạm của người nghệ sỹ, tinh thần khai phá của người thám hiểm và tính cần cù của nhà nông luôn tin vào mùa vụ bội thu bằng lao động gieo trồng hôm nay. Xin nhường cho các bạn cảm nghiệm thêm.

Dưới đây là một số cảm nghiệm về quản trị tài chính để chia sẽ cùng bạn đọc, với niềm tin sẽ giúp các bạn tiếp cận và vận dụng tốt hơn những kiến thức đã tiếp cận trong khóa học:

1. TẤT CẢ CÁC BÀI TOÁN TÀI CHÍNH PHỨC TẠP ĐỀU CÓ THỂ QUY VỀ BÀI TOÁN CƠ BẢN VỚI MỘT PHÉP TOÁN TRỪ

Những chuyên gia giỏi, có lẽ phân tích vấn đề với phép toán đơn giản hơn nhiều so với chúng ta hình dung ?

Trong quá trình quản trị tài chính, chúng ta lần lượt tiếp cận nhiều bài toán phân tích phức tạp; từ suất sinh lời của vốn kinh doanh, điểm hòa vốn, giá trị cổ phiếu, hiệu quả đầu tư … đa dạng đến mức chúng ta có thể lạc vào mê trận của thuật ngữ và kỹ thuật, tưởng như mỗi lãnh vực là một vùng trời riêng biệt. Nhưng nếu đứng lùi ra xa và nhìn bao quát thì sự việc có thể diển dịch đơn giản, quy về một công thức là Doanh thu trừ chi phí hoặc nguồn thu trừ vốn đầu tư, kết quả của phép toán trừ này nếu dương thì có lợi nhuận (hiệu quả). Đọc đến đây nhiều bạn sẽ không đồng ý vì ….

Tuy nhiên chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vẻ đẹp của công thức Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí hay Thu nhập ròng = Thực thu – thực chi, là cơ sở cho mọi công thức tài chính khác. Tôi được dịp tham dự một cuộc họp quyết định phương án đầu tư một chung cư cao cấp tại Q.7, diện tích khu đất là 7.500m2. Sau khi hỏi một vài câu về vị trí, Ong TGĐ (một nhà đầu tư nổi tiếng tại Tp.HCM) ra quyết định giá mua trong khoản 52 – 54 tỷ là mua được, và dự kiến lãi khoảng 25%, và sau đó tôi còn được thấy một số quyết định tương tự cho những dự án kinh doanh khác. Lúc đó tôi khá ngạc nhiên, nhưng khi tôi tính toán cụ thể thì kết quả là tương đương; sau này được dịp trao đổi tôi mới thấy khả năng sử dụng phép tính quy giản tuyệt vời của ông. Từ nhiều cách thức phân tích tương tự của chính tôi và một số nhà quản trị nêu trên, tôi nhớ đến nhà vật lý thực nghiệm nổi tiếng Fermi, trong quá trình tìm những nghiệm cho phương trình tạo bom nguyên tử, ông đã làm các chuyên gia điện toán ngạc nhiên khi những phép toán đơn giản của ông có kết quả gần như máy điện toán đã giải.

Trình bày những điều này tôi không hề muốn làm giảm giá trị các phép toán tài chính phức tạp là nội dung chính đào tạo trong khóa học này. Tôi muốn nhấn mạnh một ý quan trọng, "để trở thành một nhà quản trị tài chính thực thụ, các bạn cần lĩnh hội được vẽ đẹp chân phương của công thức đơn giản trên sau khi đã xuyên qua những kỹ thuật chuyên sâu của tài chính". Điều này đã được Kim Dung thể hiện tuyệt vời trong đoạn mô tả Trương Tam Phong dạy Thái cực quyền cho Trương Vô Kỵ, và thường khái quát trình độ vận dụng võ học của các đại cao thủ, đó là "vô chiêu thắng hữu chiêu"
Một liên tưởng khác, trong tiến trình học hỏi nghiên cứu, chúng ta dể đồng ý với câu ngạn ngử phương tây "chúng ta biết ngày càng nhiều trước sự chưa biết, ngày càng ít đi, cho đến khi không sự việc gì chúng ta không biết". Tuy nhiên John Bogle John Bogle là nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ, đã đưa ra phương pháp đầu tư chỉ số trong chứng khoán, áp dụng cho Quỹ đầu tư hàng đầu Vanguard Investment group do ông sáng lập. Phương pháp này đã mang lại thành công vượt bực đưa quỹ tương trợ Vanguard thành quỹ lớn thứ 2 thế giới với vốn đầu tư lên đến 250 tỷ USD chỉ trong một thập niên. lại nói rằng "chúng ta biết ngày càng ít trước sự việc chưa biết ngày càng nhiều, cho đến khi chúng ta không biết gì hết về mọi sự việc". Có điểm tương đồng nào không giữa nhận định của nhà tài chính nổi tiếng này với “vô chiêu” của Kim Dung và cao thâm hơn nữa là "vô vi" của Lão Tử.

Trở về với công việc phân tích tài chính, trong khi nhiều người cứ mãi mê bới tìm những kỹ thuật, những công thức để cố gắng áp thực tế vào một khuôn mẩu có sẳn nào đó (như tầm chương trích cú trong nho học), thì các chuyên gia, những người đã đạt nguyên lý đơn giản của tài chính “thu nhập bằng thực thu trừ thực chi”, có lẻ sẽ phân tích vấn đề với phép toán đơn giản hơn rất nhiều so với chúng ta hình dung ?

2. KHÔNG BAO GIỜ THU THẬP ĐỦ THÔNG TIN CẦN THIẾT. ĐỂ GIẢI CÁC BÀI TOÁN TÀI CHÍNH CẦN CÓ KHẢ NĂNG XÂY DỰNG ĐƯỢC MÔ HÌNH TÀI CHÍNH

Một bài toán tài chính có thể phân làm ba giai đoạn xử lý. Giai đoạn 1 là xác định các yêu cầu và tập hợp các dữ liệu cần thiết; giai đoạn kế tiếp là sử dụng các phép toán thích hợp (xây dựng mô hình tài chính) để tính ra kết quả; cuối cùng là phân tích các kết quả để đưa ra nhận định đánh giá và chọn lựa phương thức thực thi.
Trong đa số trường hợp trong giai đoạn 1 chúng ta không bao giờ thu thập đầy đủ thông tin cần thiết cũng như mức độ tin cậy chắc chắn, có thể do khách quan (các thông tin dự báo, các thông tin mà người phân tích không thể tiếp cận) hoặc do chủ quan (người phân tích không có đủ thời gian hoặc chi phí để thu thập).

Sự thiếu hụt dữ liệu này dẫn đến trong giai đoạn tính toán, chúng ta sẽ gặp khó khăn không biết cách giải quyết bài toán do không tìm thấy một mô hình chuẩn. Điều này thường dẫn đến hai khả năng, hoặc cho rằng không thể giải bài toán, trường hợp ngược lại nếu có người giải bài toán thì lại tỏ ra nghi ngờ tính chính xác vì không đúng với sách vở. Vấn đề chính là chổ chúng ta quá thụ động với mô hình được trình bày trong các sách lý thuyết, mà quên rằng những mô hình đó được khái quát hóa từ vô vàn mô hình thực tế. Do vậy khi áp dụng vào một bài toán thực tế, chúng ta phải có khả năng chuyển mô hình khái quát trong lý thuyết thành mô hình ứng dụng cụ thể
Cốt lõi trong việc xây dựng một mô hình tài chính phù hợp với một trường hợp cụ thể, thứ nhất là chúng ta phải hiểu được bản chất kinh tế của bài toán, thí dụ việc phân tích biến phí_định phí của sản xuất may mặc khác với khu Resort nghỉ dưỡng. Điểm thứ hai là chúng ta phải chấp nhận sai số khi thiếu thông tin Điều này được minh họa tuyệt vời trong các bài toán dành cho ứng viên của MicroSoft, như câu hỏi yêu cầu ứng viên hãy cho biết trong nước Mỹ có bao nhiêu trạm xăng., khi đó chúng ta sẽ chọn phép giải có sai số chấp nhận được. Chúng ta hãy nhớ lại bài toán tính diện tích, nếu miếng đất có hình chử nhật thì chúng ta dể dàng áp dụng công thức. Nhưng nếu có hình phức tạp (ao hồ, dãy đất ven biển) mà công thể tìm ra công thức tính diện tích chuẩn nào, khi đó chúng ta có thể áp dụng phép tích tích phân của Newton với những sai số cho phép. Như vậy đứng trước một bài toán tài chính, chúng ta cần phải chọn lựa và điều chỉnh mô hình tài chính để phù hợp với yêu cầu và sai số cho phép, điều này đòi hỏi tính sáng tạo của chúng ta.

3. TRONG QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH KHÔNG CÓ MỘT LỜI GIẢI DUY NHẤT, mà lời giải được chọn lựa từ không gian giải pháp với sự cân nhắc giữa mức thành công đem lại và xác suất thất bại.

Trong kinh doanh, rất nhiều quyết định trái ngược nhau cùng dẫn đến thành công. Tập trung vào một ít sản phẩm như Coca cola (KO) hay đa dạng như J.Son & J.Son; đầu tư chứng khoán theo chỉ số của John Bogle hay theo giá trị như Maro Gabelli….điều đấy cho thấy có nhiều phương thức kinh doanh khác nhau cùng đạt được hiệu quả cao. Các giải pháp tài chính là sự hoạch định các hoạt động kinh doanh dưới dạng đồng vốn, do vậy cũng sẽ có rất nhiều giải pháp khác nhau. Khi triển khai các giải pháp kinh doanh chúng ta sẽ có nhiều chọn lựa (công suất lớn hay vừa phải, thiết bị tự động hay bán tự động, đầu tư toàn bộ hay có kết hợp thuê ngoài …), mỗi chọn lựa lại có nhiều khả năng khác nhau, thí dụ chọn công suất lớn có khả năng khai thác từ 50% - 80% công suất, tổ hợp các điều này chúng ta có nhiều giải pháp khác nhau mà chúng ta không chắc rằng giải pháp nào cho kết quả tốt nhất. Điều này làm cho bước nhận định và chọn lựa phương thức thực thi sẽ rất khó khăn.

Vấn đề chính là ở chổ chúng ta cần chọn lựa giải pháp thích hợp nhất với mục đích và điều kiện của chúng ta, thí dụ nếu chúng ta đang gặp khó khăn về vốn thì giải pháp ít đòi hỏi chi phí đầu tư sẽ được ưu tiên chọn lựa. Điều cần nhớ là bao giờ chúng ta cũng có một số giải pháp để chọn lựa, mỗi giải pháp sẽ đòi hỏi một số điều kiện để đảm bảo khả năng thành công. Chính vì thực tiển này đôi khi người ta nhận định quản trị tài chính là một nghệ thuật; tuy nhiên chúng tôi muốn nói rằng đó là nghệ thuật của các con số và định luật kinh tế, mà nếu không tuân thủ thì chắc chắn sẽ bị trả giá.

Ngạn ngữ có câu “mọi con đường đền dẫn tới Roma”, các chuyên gia tài chính sẽ nói thêm “ nhưng trong số đó sẽ có những con đường tốt hơn, và chúng ta sẽ chọn ra một con đường có xác suất tốt nhất trong điều kiện của chúng ta”

4. PHƯƠNG PHÁP DÒNG TIỀN CHIẾT KHẤU, KỸ THUẬT QUAN TRỌNG GIẢI BÀI TOÁN TÀI CHÍNH.

Nếu chọn ra một nguyên lý quan trọng nhất của Tài chính hiện đại, thì đó là nguyên lý giá trị đồng tiền biến đổi theo thời gian; có nghĩa là giá trị đồng tiền hôm nay khác với giá trị đồng tiền năm sau và năm sau nửa. Theo nguyên lý này, chúng ta không thể so sánh trực tiếp các số tiền khác thời điểm. Thí dụ nếu chúng ta bỏ ra 1 tỷ đồng mua một miếng đất và sau 3 năm chúng ta bán được 1,4 tỷ thì chúng ta có lãi hay không, phép toán trừ có kết quả lãi 400 triệu không được chấp nhận. Nhiều chuyện kinh doanh khác phức tạp hơn, thí dụ chúng ta đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, và dự kiến nguồn thu dần dần trong 10 năm (là thời gian sử dụng thiết bị đã đầu tư) cộng lại là 180 tỷ thì có nên đầu tư hay không? Rồi chuyện bỏ ra một số tiền lớn để mua các cổ phiếu của một công ty còn chưa có tiếng tăm để 2 năm sau khi cổ phiếu được giá sẽ bán, khi đó giá bán CP tối thiểu là bao nhiêu để chúng ta có lãi 20%/năm….

Để giải quyết các vấn đề này chúng ta sử dụng kỹ thuật chiết khấu dòng tiền, quy số tiền các năm tương lai về năm hiện tại để có thể so sánh trực tiếp (khi đó mới sử dụng công thức thu nhập = thực thu – thực chi). Như vậy đây là phương pháp quan trọng bật nhất của tài chính, được áp dụng để giải các bài toán tài chính đầu tư phức tạp như hiệu quả dự án đầu tư, định giá CP và bất động sản, định giá doanh nghiệp…

Đối với chuyên viên phân tích tài chính một khi đã nắm vững phương pháp này kết hợp với mô hình tài chính thì tất cả bài toán tài chính, dù phức tạp đến đầu cũng có thể giải quyết, như là một đại cao thủ đã đạt được nguyên lý võ học, có thể biến hóa quyền pháp tùy cơ. Đặt biệt với công cụ Excel, đã giải phóng sự nặng nhọc trong các phép tính; thì việc giải bài toán tài chính bằng mô hình và phương pháp chiết khấu dòng tiền trở thành một nghệ thuật thú vị, có thể trả lời nhiều câu hỏi một cách nhanh chóng.

5. RỦI RO VÀ THU NHẬP, TRIẾT LÝ TẠO RA SỰ PHONG PHÚ TRONG SẢN PHẨM TÀI CHÍNH.

Bước vào thế giới tài chính chúng ta thấy có quá nhiều luật chơi, các sản phẩm phong phú và đa dạng. Xét về huy động vốn của doanh nghiệp, chúng ta có cổ phiếu ưu đãi, CP thường, vay NH, trái phiếu, trái phiếu lãi suất biến đổi, trái phiếu chuyển đổi…Trong lĩnh vực các tổ chức cấp vốn chúng ta có Ngân hàng, công ty tài chính, thuê mua tài chính, Quỹ đầu tư tương hỗ, Quỹ đầu tư mạo hiểm…còn các công cụ kinh doanh tiền tệ thì hợp đồng giao sau, hợp đồng quyền chọn…

Khi vào một Casino bạn sẽ hoa mắt vì quá nhiều trò chơi, từ chơi tài_xỉu với khả năng ăn thua tương đương gần 1 - 1 cho đến khó thắng hơn khi chơi quay Rulex bỏ 1 đồng trúng sẽ được 70 đồng nhưng khả năng thắng chỉ có 1%. Rỏ ràng bạn có thể chọn trò chơi tuỳ ý nhưng không có trò chơi nào sẽ có lợi cho bạn hơn trò chơi khác, mà chỉ là phần thưởng cao thì khả năng thắng thấp hoặc ngược lại.

Về mặt nào đó, tiền thắng và khả năng mất trong các trò chơi của Casino cũng tương tự các công cụ và sản phẩm tài chính. Nhà quản trị tài chính luôn phân vân trong việc huy động vốn, vay ngân hàng hay phát hành thêm CP; nếu vay sẽ hứa hẹn mang lại hiệu quả cao hơn cho các cổ đông hiện tại nhưng cũng tạo ra áp lực rủi ro trả nợ. Trường hợp khác, để đảm bảo khả năng sinh lợi an toàn của một hợp đồng xuất khẩu lớn, CFO có thể sử dụng hợp đồng bảo hiểm tỷ giá với chi phí chấp nhận được. Tuy nhiên nếu công cuộc kinh doanh nào cũng sử dụng các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro thì khả năng thu lợi sẽ không còn nữa.

Trong quá trình phát triển của thị trường tài chính đã tạo ra các loại hình tài chính và dịch vụ tài chính phong phú dựa trên mối quan hệ giữa rủi ro và thu nhập; một nhà quản trị tài chính có kinh nghiệm sẽ chọn lựa những công cụ thích hợp trong quá trình quản trị và phát triển đồng vốn của mình. Nhưng nhất quyết không bao giờ được liều lĩnh đưa doanh nghiệp vào cuộc chơi đỏ đen đầy rủi ro.

6. QUẢN TRỊ RỦI RO LÀ NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG CỦA QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH

Ngày nay nếu có nhiệm vụ cốt yếu nào mà nhà quản trị tài chính cần phải gánh vác thì đó là nhiệm vụ quản trị rủi ro. Trong nền kinh tế thị trường phát triển và hội nhập, các doanh nghiệp phải chấp nhận sự cạnh tranh, lĩnh vực nào hứa hẹn sinh lợi nhất thường gặp phải cạnh tranh mạnh nhất hoặc là lĩnh vực có khả năng thất bạo cao.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới cùng chung quan điểm “rủi ro là thuộc tính của nền kinh tế trong kỹ nguyên mới”. Trong tác phẩm Rethinking the Future Tác phẩm tập hợp những bài phân tích về xu thế của nền kinh tế trong sự tác động của làn sóng thứ 3 về công nghệ do Rowan biên soạn được NXB Trẻ xuất bản dưới tựa đề Tư duy lại tương lai., Alvin và Heidi Toffler đã trình bày khái quát “ khi phương thức tạo ra của cải của làn sóng thứ ba được triển khai rộng rãi, được đánh dấu bởi sự xáo trộn và xung đột xã hội, thì nó sẽ tạo ra một tình trạng không thể tiên đoán trước ở mức độ cao và những điều kiện phi tuyến tính”

Xét về vĩ mô đó là chu kỳ kinh tế các nước phát triển ngày càng ngắn hơn, về vi mô chúng ta đã chứng kiến nhiều đại gia tưởng rằng bất khả xâm phạm đã có những thời điểm suy thoái nặng nề như IBM, For, Nisan... Chúng ta cũng thấy sự suy thoái rồi hồi sinh đầy thuyết phục của Apble, Samsung…Trong thực tiển tại các nước phát triển, các công ty luôn đối đầu với những bất trắc do môi trường kinh tế tác động, dù là công ty đa quốc gia hay tầm địa phương. Thực tiển này đặt ra cho nhà quản trị tài chính công ty cần chuẩn bị một nguồn lực đủ mạnh để vượt qua những đợt suy thoái nghiêm trọng giúp cho công cuộc kinh doanh không bị sụp đổ một cách đáng tiếc. Trong đợt kiện chống bán phá giá thủy sản vừa qua của Mỹ, những xí nghiệp chế biến yếu lực phải phá sản, trong khi một số công ty có nguồn lực và năng động đã trụ được và phát triển mạnh khi VN gia nhập WTO là một minh họa.

Hãy luôn nhớ, khi gặp khó khăn nghiêm trọng thì mọi chiến lược khắc phục đều cần tới nguồn lực tài chính, và nhiều công ty đã bị phá sản bởi vì không có sự chuẩn bị nguồn lực tài chính cần thiết, đã quá mãi mê vay mượn phát triển đầu tư mà thiếu chiến lược tài chính tốt để quản trị rủi ro.

7. NHÀ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH LUÔN NHỚ QUY LUẬT “ LƯỢNG ĐỔI CHẤT ĐỔI”

Có một câu nói kinh điển mà các giảng viên khoa quản trị kinh doanh hay giới thiệu cho các sinh viên, đó là “ chi 1 triệu USD mà hợp lý cũng sẳn sàng, nhưng chi 1 USD không đúng sẽ dứt khoát không chi”. Chúng ta không cần bàn luận thêm câu phát biểu đầy hàm ý này. Nhưng tôi muốn nói với các chuyên viên tài chính trẻ một câu khác “chi 1 USD thì không phải đắn đo gì nhiều, nhưng chi 1 triệu USD thì cần đặt lên đặt xuống nhiều lần trước khi quyết định”.

Tôi đã thấy một ông giám đốc ra những quy định chi tiết về việc in 2 mặt của tờ giấy mà không phân tích việc này tiết kiệm được bao nhiêu, trong khi dự án đầu tư hàng chục tỷ, nhưng lại không muốn chi vài chục triệu cho công tác điều tra thị trường, nghiên cứu công nghệ thiết bị. Tôi cũng thấy một công ty rất vững mạnh có thương hiệu và sản phẩm bán chạy; nhưng đang đứng trên bờ vực do đã đầu tư một dự án mới với vốn đầu tư, chủ yếu là vốn vay lớn hơn nhiều quy mô vốn đang kinh doanh hiện tại; với quy mô đó khi dự án gặp khó khăn thì không cách gì sử dụng nguồn lực hiện có để bù đắp.

Lượng đổi chất đổi là một quy luật triết học đặc biệt quan trọng mà nhà quản trị tài chính cần ghi nhớ. Khi công ty tăng quy mô và vốn rất lớn thì phương thức cổ phần đại chúng sẽ tốt hơn hình thức TNHH; một sự gia tăng vay nợ vượt tỷ lệ an toàn, một khách hàng có mức dư nợ tăng dần,… đều là những cảnh báo cần phải có phương thức tác động thích hợp, nếu không sẽ đưa tình hình tài chính công ty vào chổ nguy hiểm. Vận dụng điều chỉnh quản trị tài chính theo từng giai đoạn tăng trưởng của công ty, chính là giúp cho tình hình tài chính công ty luôn vững mạnh

8. CHỦ ĐỘNG _ SÁNG TẠO LÀ PHẨM CHẤT QUAN TRỌNG NHẤT CỦA NHÀ TÀI CHÍNH


Sau cùng tôi muốn kể cho các bạn một truyền thuyết thời Đông Châu liệt quốc. Tô Tần sau khi học thành tài được Quỹ Cốc tiên sinh tặng cho một quyển bí quyết về nghệ thuật du thuyết. Tô Tần đọc làu thông và đi du thuyết, nhưng suốt 3 năm tiêu tốn tiền của gia đình vẩn thất bại ôn hận trở về. Sau đó Tô Tần đọc lại bí quyết và mới phát hiện trang cuối có ghi lời thày “bao giờ con quyên những điều trong đây thì con đã lĩnh hội xong bí quyết và có thể xuất sơn”. Tô Tần quyết định suất gia lần nửa và ông đã trở thành tướng quốc của 6 nước chống với nhà Tần. Cũng có thể sau lần đọc lại Tô Tần đã kết hợp với những kinh nghiệm thực tế của mình nên nhìn vấn đề tốt hơn, cũng có thể ông đã lĩnh hội được sự sinh động của kiến thức mà chính mình phải tạo ra.

Câu chuyện này có nhiều điểm tương đồng với câu chuyệu “ vô chiêu” ở trên, nhưng nó không chỉ là chuyện trà dư tửu hậu. Các Trường đại học của Mỹ hiện nay không còn hình thức thày giảng trò ghi, lời thầy là chân lý; mà đã chuyển sang hình thức thày là người giới thiệu, gợi ý; trò là chủ thể nghiên cứu, học hỏi – tranh luận – sáng tạo. Như vậy “ học là quá trình để quên ” của các câu chuyện trên đây có ngụ ý “ học là quá trình để biến cái được thấy thành cái của mình, với những ý tưởng mới đầy sáng tạo trong các thực tiển mình đang gặp phải”.

Doanh nghiệp kêu khó, ngân hàng kêu khổ.

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

 Nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nhưng cũng phải chờ từ 7-14 ngày số ngoại tệ họ cần mới được ngân hàng đáp ứng. Cực chẳng đã, có DN vì cần kíp đã phải huy động cả USD của cán bộ, công nhân viên. Hỏi đến chuyện mua USD vào thời điểm này, hều hết các DN đều lắc đầu kêu khó. Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) - Hà Nội cho biết, việc mua ngoại tệ luôn rất khó khăn vì ngân hàng thường không bao giờ có đủ ngoại tệ theo nhu cầu.

DN muốn mua được ngoại tệ thì phải theo hai cách thức thông thường: có kế hoạch từ trước hoặc mua ngoại tệ khác như EURO rồi lại chuyển sang đồng USD. Bên cạnh đó, DN phải ký quĩ 20% tại ngân hàng, luôn phải để một khoản tiền Việt để trong ngân hàng để đợi mua USD. Trong thời gian chờ đợi này, DN cũng chịu lãi suất.
"Nói chung, doanh nghiệp luôn ở thế bị động trong việc mua bán USD trong thời điểm này"- ông Lý nói.

Công ty của ông Lý mỗi tháng cần từ 3-5 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và phải thu gom ở nhiều ngân hàng. Các ngân hàng có thể vẫn bán đủ số lượng ngoại tệ nhưng DN sẽ phải chờ từ 1 -2 tuần mới được đáp ứng nhưng nhiều khi việc kinh doanh đâu có thể lúc nào cũng chờ được.

Ông Vũ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội- Hapro cho biết, một tháng, tổng nhu cầu ngoại tệ của DN vào khoảng 5 triệu USD. Tuy nhiên, mua ngoại tệ vào thời điểm hiện nay là rất khó khăn do nguồn cung của các ngân hàng bị hạn chế. Trong giai đoạn căng thẳng này, Hapro cũng phải đợi khoảng 7 ngày mới mua được ngoại tệ. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động nhập khẩu của công ty. Cách duy nhất là công ty cố gắng tự cân đối từ nguồn ngoại tệ thu về từ hoạt động xuất khẩu nhưng vẫn không đủ.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có quy mô lớn và nhiều ngành kinh doanh để có thể hỗ trợ nhau như Hapro. Các DN nhỏ đang chịu nhiều khó nhất trong tình trạng thiếu USD như hiện nay. Một DN kinh doanh cơ điện ở Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay họ mới có được một hợp đồng lớn, nhưng khi thanh toán cho đối tác, tìm đến đến ngân hàng lại không được đáp ứng.

Số ngoại tệ không phải là lớn nhưng đã cầu cạnh 2 -3 ngân hàng đều không được vì là DN chưa được xếp vào diện ưu tiên của ngân hàng. Cực chẳng đã, DN đành phải bắc cầu qua 3 - 4 DN khác có quan hệ thân thiết với ngân hàng để mua được số ngoại tệ cần. Chi phí phát sinh thêm cộng vào khiến giá USD cao hơn thực tế.

Thậm chí, tại một DN nhập khẩu thiết bị y tế đã phải huy động cả từng ngàn USD của nhân viên trong cơ quan để đặt cọc cho một lô thiết bị sắp về. Nếu không nhập hàng về kịp, lại buộc phải chậm giao thiết bị thì sẽ bị phạt theo hợp đồng cung cấp cho đối tác trong nước. Lo được đặt cọc rồi nhưng vị giám đốc lại chưa biết nhìn vào đâu để lấy nguồn thanh toán nốt cho đối tác, nếu không sẽ bị phạt.

Không những thế, DN nhập khẩu điện máy ở TP.HCM cho biết, khi thị trường bình thường họ đều thanh toán dễ dàng qua ngân hàng. Nhưng bây giờ ngân hàng không chịu bán USD cho DN nên DN phải tìm cách thu gom ngoài thị trường chợ đen rồi nộp vào ngân hàng. Nhưng sau đó phải có một thủ tục xin mua lại số USD mình mới nộp vào mới thanh toán được cho đối tác. Tính ra, giá USD đã cao hơn nhiều so với giá quy định nhưng vẫn phải chấp nhận.

Quá bức xúc, trưởng một phòng nghiệp vụ của công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp cho hay, khó khăn không phải bây giờ mà từ Tết đến nay. Tỷ giá mua vào bán ra niêm yết gần như bằng nhau. Ngân hàng cứ ghi thế nhưng không có đủ hoặc không bán ngoại tệ cho DN.

"Chúng tôi phải tìm mọi cách xoay sở để có đủ ngoại tệ, chi phí đội cao lên vì không thể không mua ngoại tệ. Các ngân hàng cứ đăng thông báo nhưng không có ngoại tệ để bán... chuyện này không biết kéo dài đến bao giờ"- vị trưởng phòng này nói.

Ngân hàng cũng khó

Theo phản ánh của các DN, đa số các đề nghị mua ngoại tệ của họ đều bị các ngân hàng lắc đầu với lý do duy nhất là không đủ nguồn cung.

Đúng là các ngân hàng cũng có những khó khăn thực sự về ngoại tệ. Bởi nhiều DN và người dân có nguồn thu ngoại tệ đã không bán cho ngân hàng mà dùng để thế chấp vay VND. Lý do dẽ hiểu là vay VND đang được hỗ trợ lãi suất.

Trong 4 tháng đầu năm 2009 tăng trưởng tín dụng nói chung của cả nền kinh tế là 11,6%, trong khi đó tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm 2,5%. Thực tế này đã làm tăng đột biến nhu cầu mua ngoại tệ trong nền kinh tế.

Chính vì thế, phó giám đốc một chi nhánh của Vietcombank cho biết, từ đầu tháng 4, Hội sở đã có chỉ đạo cho các chi nhánh phải tự hạn chế và điều tiết lượng ngoại tệ bán ra theo thứ tự ưu tiên. Thậm chí, ngân hàng còn đề ra mức khống chế lượng bán ra trong ngày đối với từng chi nhánh tùy theo quy mô của chi nhánh đó. Đây là biện pháp bất đắc dĩ để ứng phó với hoàn cảnh thiếu nguồn cung ngoại tệ thương mại như hiện nay và đây là cách mà nhiều ngân hàng đang áp dụng.

Nợ kinh doanh cần tránh

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Là một nhà đầu tư thông minh, trước khi đầu tư vào một công ty, chắc chắn bạn sẽ tiến hành các nghiên cứu về tình hình kinh doanh cũng như tình hình tài chính của công ty đó trong quá khứ để xem xét xem công ty ấy có đáng để bạn đầu tư hay không? Thế nhưng nếu như sau khi bạn đầu tư thì công ty quyết định vay nợ. Điều gì sẽ xảy ra với khoản đầu tư của bạn? Chắc hẳn lúc này bạn cần phải xem xét một số yếu tố, xem các khoản nợ mới của doanh nghiệp ảnh huởng như thế nào đến khoản đầu tư của mình?

Đối với nhiều doanh nhân, cụm từ "kinh doanh" và "nợ nần" luôn song hành với nhau. Trong con mắt các khách hàng cũng như các nhà đầu tư, việc không nợ nần được xem như nhân tố quan trọng nhất tạo dựng uy tín và hình ảnh đẹp của doanh nghiệp.

Trong kinh doanh ngày nay, các khoản nợ sẽ rất dễ dàng chồng chất nhanh chóng đến mức đủ để loại doanh nghiệp ra khỏi cuộc chơi trước khi kịp tìm ra giải pháp khắc phục.

Vấn đề ở chỗ nợ nần dường như trở thành một phần tất yếu trong kinh doanh thường nhật, rất ít doanh nghiệp có thể tránh khỏi những khoản nợ phát sinh. Và theo thời gian, các khoản nợ như một “cái gai khó chịu” cần được loại bỏ khi nó làm gia tăng mức độ rủi ro kinh doanh.

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể. Chắc chắn tồn tại những căn nguyên dẫn tới nợ nần kinh doanh và một khi biết rõ chúng, các doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng tránh xa. Hãy dành thời gian để xem xét dòng tiền của doanh nghiệp và rất có thể doanh nghiệp sẽ phát hiện ra các con số chi phí xa lạ cần được loại bỏ để cải thiện sức khoẻ tài chính.

Duới đây là 8 căn nguyên dẫn tới nợ nần và khi các doanh nghiệp tránh xa được chúng, kết quả thành công là hiển nhiên.

1. Không gắn chặt với những nhân tố thiết yếu

Điểm khởi đầu thích hợp là nguyên tắc "bao gồm tất cả" và "nắm bắt tất cả". Theo đó, các chủ doanh nghiệp hãy là một người thông minh bằng việc chi tiêu tiền bạc duy nhất cho những gì thực sự cần thiết để vận hành công việc kinh doanh.

Càng ít lựa chọn ít tốn kém bao nhiêu cho việc đạt được các mục tiêu then chốt sẽ càng tốt bấy nhiêu. Và các doanh nghiệp chỉ tăng các chi phí nếu doanh thu cho phép làm như vậy.

Sau khi trải qua giai đoạn trứng nước mới khởi sự và thấy rằng các nguyên tắc này quá chặt chẽ và có phần hạn chế kinh doanh tăng trưởng, doanh nghiệp có thể từ từ nới lỏng sợi dây thừng một chút và tận hưởng không khí tự do với khoản dự trữ tiền mặt lớn hơn.

2. Làm quá nhiều thứ vào quá sớm

Nếu một doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh chưa lâu nhưng đã nỗ lực thực hiện ngay nhiều dự án cùng một lúc, nguồn vốn hạn chế ban đầu sẽ giới hạn đáng kể thời gian và tiền bạc doanh nghiệp có thể bỏ ra cho từng dự án kinh doanh cụ thể.

Những ráng sức đó cần có sự quan tâm kỹ lưỡng và cần được nuôi dưỡng chậm chạp một cách thấu đáo nếu doanh nghiệp bạn muốn chúng được thành công. Khi doanh nghiệp cố thực hiện quá nhiều cam kết cùng lúc, tất cả sẽ kết thúc ở chỗ các dự án không thể thành công, đồng thời các chi phí bỏ ra và con số nợ nần sẽ chồng chất.

3. Không thiết kế cho khả năng mở rộng

Thành công ban đầu là rất quan trọng nhưng không tốt chút nào nếu doanh nghiệp dần bị xói mòn chính bởi sự thiếu khả năng hoạch định quy mô ban đầu lẫn những chuẩn bị kém cỏi.

Nếu thiết kế kinh doanh của doanh nghiệp không thể được mở rộng hơn khi đã trưởng thành, doanh nghiệp có thể bị buộc phải gánh chịu nhiều khoản chi phí phát sinh khi nỗ lực tái thiết kế kinh doanh.

4. Thất bại trong ủy thác

Các chủ doanh nghiệp cần nhớ rằng mình luôn là con người của những sáng kiến. Đừng dùng quá nhiều thời gian cho những công việc có thể được thực hiện tốt bởi một người khác có mức thù lao thấp hơn.

Khi mà các chủ doanh nghiệp có thể cố gắng quản lý vi mô và gắn chặt con mắt vào từng khía cạnh của doanh nghiệp, bản thân họ không chỉ khiến mình phát điên vì sức ép công việc mà có thể kéo hoạt động kinh doanh vào rắc rối khi không thể quản lý tốt sức khoẻ tài chính chung.

5. Mua với số lượng lớn

Khi chưa là một doanh nghiệp lớn, việc lựa chọn mua một số lượng hàng hoá lớn phục vụ kế hoạch phát triển dài hạn hay dữ trự cho một thời gian dài là không thích hợp chút nào.

Doanh nghiệp bạn phải tính toán kỹ lưỡng các chi phí bỏ ra trong từng giai đoạn và sẽ cần một lượng tiền mặt nhất định luôn có sẵn tại ngân hàng. Hãy lên kế hoạch mua sắm những gì thực sự cần cho một thời gian nhất định và doanh nghiệp bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để dự báo chính xác các cơn bão chi phí không ngờ tới.

6. Thanh toán chậm trễ các hóa đơn

Việc thanh toán chậm trễ hóa đơn sẽ dẫn tới nhiều bất lợi, không chỉ làm phát sinh các khoản nợ mà khoản nợ sẽ ngày một lớn hơn theo con số lãi suất chậm trả.

Bất cứ khi nào có thể, hãy thanh toán các hóa đơn đến hạn. Thẻ tín dụng nên được sử dụng tối đa khi mà nhiều ngân hàng cho phép một kỳ hạn nhất định không phải thanh toán lãi suất khi thanh toán tiền.

7. Quẳng các hóa đơn

Sẽ rất khó khăn cho nhiều chủ doanh nghiệp thấy được dòng tiền chi tiêu cũng như biết cách phân tách các chi phí kinh doanh với chi phí cá nhân nếu không lưu giữ đầy đủ mọi hóa đơn thanh toán.

Điều này có thể kết thúc với việc các khoản chi phí bị đội lên, cùng với đó là số thuế được khấu trừ cũng ít đi. Hãy lưu giữ cẩn thận mọi hóa đơn và doanh nghiệp bạn sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong tính thuế cũng như tính toán chi phí.

8. Thất bại trong việc truy đòi các khoản phải thu

Hãy chắc chắn rằng doanh nghiệp của bạn là một "người đàn ông rộng lượng" trong kinh doanh, nhưng cũng rất cần thiết với việc đảm bảo rằng doanh nghiệp được thanh toán các khoản phải thu đúng hạn.

Với khác nhiều công cụ có sẵn ngày nay cho việc thông báo khách hàng thanh toán tiền hàng đến hạn, không có lời bào chữa nào cho việc doanh nghiệp để các khoản phải thu chất chồng mà không truy đòi được.

Doanh nghiệp có thể trang bị nhiều phần mềm kế toán khác nhau giúp tự động gửi hoá đơn và nhắc nhở việc thanh toán các khoản phải thu đến hạn, và thậm chí tạo điều kiện để khách hàng thanh toán qua mạng internet trực tiếp tới tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp.

Tài chính tín dụng đang ở giai đoạn tình thế

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

"Tín dụng của Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn tình thế. Do áp lực bởi các gói kích cầu mà tất cả các điều kiện tín dụng cũng như các yếu tố đảm bảo tính an toàn của hệ thống phải có sự châm chước. Và việc kiểm soát tín dụng hiện nay cần được tăng cường"- TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Không thể điều hành theo cảm tính

Việt Nam đang vừa chống suy giảm, vừa ngăn ngừa lạm phát dựa vào 2 công cụ cơ bản là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Ông đánh giá như thế nào về việc sử dụng hai công cụ này trong thực hiện mục tiêu?

Hai công cụ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa vừa qua đã đóng góp tích cực để chống lạm phát và chống suy giảm kinh tế.

Trong giai đoạn đầu: chống lạm phát, chính sách tiền tệ có vai trò quyết định và đã có những thành công. Đến bây giờ chúng ta cũng không nên lạm dụng cái này nhiều.

Vì lãi suất, tỷ giá phải theo cung cầu, không thể điều hành theo cảm tính. Và chúng ta cũng không thể điều chỉnh theo kiểu tự hạ nhanh, xa rời thực tiễn. Thực ra, chúng ta cũng đã vận dụng, khai thác tương đối tốt các yếu tố.

Tuy nhiên, bây giờ không thể sử dụng dự trữ bắt buộc, lãi suất không thể giảm quá độ, hoặc không thể tăng tiền gửi quá độ. Mà phải sử dụng chính sách tài chính.

Ví dụ gói kích cầu vừa qua, kể cả chính sách miễn giảm thuế, cho ứng trước nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, việc hoãn hoàn trả vốn đầu tư, đưa vốn vào một số lĩnh vực an sinh xã hội thông qua đường ngân sách. Đấy là đóng góp rất lớn.

Hoặc là việc sử dụng chính sách tài khóa trong việc chống suy giảm này có vai trò quyết định. Hai chính sách này đều có vai trò rất rõ nhưng sử dụng trong từng thời kỳ thì nó có khác nhau. Thời kỳ này, thời kỳ chống suy giảm thì vai trò của chính sách tài khóa rất quan trọng.

Tất nhiên phải sử dụng hài hòa, nhưng mỗi thời kỳ có một điểm nhấn khác nhau, có những khai thác ở mức độ khác nhau hệ thống chính sách này.

- Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm giá VND, một số ký kiến khác lại cho rằng còn nhiều rủi ro khác lớn hơn. Từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Nhà nước điều hành tỷ giá theo chính sách tiền tệ của NHTW. Việt Nam hiện điều chỉnh tỷ giá theo cung cầu. Khi cung cầu ngoại tệ thay đổi thì điều chỉnh tỷ giá theo.

Chúng ta áp dụng điều chỉnh theo biên độ, trao tính chủ động của ngân hàng thương mại cao hơn. Các NHTM có thể tự quyết định hoạt động kinh doanh của mình trên cơ sở biên độ giao động, có thể tự mua, bán ngoại tệ rất thuận tiện và chủ động. Cách điều chỉnh như vậy tốt hơn, giúp cho điều hành linh hoạt hơn kể cả hoạt động của NHTM và quản lý của NHNN

Tăng quản lý

- Thực tế thị trường luôn tồn tại 2 tỷ giá: tỷ giá của ngân hàng và tỷ giá trên thị trường chợ đen với độ vênh khá lớn?

Tỷ giá của ngân hàng là tỷ giá theo định hướng, theo cái chung của nhà nước. Còn tỷ giá trên thị trường là do các cá thể cung cầu từng thời điểm theo tâm lý, theo tự phát ở một thời gian rất ngắn trên thị trường. Ngân hàng đặt tỷ giá và đó là mức khống chế, người ta sẽ có trách nhiệm khi tỷ giá trên thị trường vượt ra khoảng ấy thì can thiệp.

Ở đây có hai vấn đề: thứ nhất là khả năng quản lý của nhà nước, và hai là cung cầu can thiệp của NHNN. Nếu hai điều đó làm tốt thì tiền ngoài sẽ giảm xuống. Còn nếu không tốt, thì cung cầu trên thị trường tự do sẽ đội lên, người đầu tư, đầu cơ sẽ hoành hành.

- Bây giờ chúng ta đã làm tốt hai yêu cầu này chưa?

Chính sách tỷ giá của NHNN hiện nay là hợp lý. Nhưng cần tăng cường quản lý hơn nữa.

Còn trên thị trường, người ta buôn bán đồng tiền theo nhu cầu, theo tâm lý, thậm chí muốn phá hoại, muốn vì lợi ích cá nhân mà tung tin đồn nhảm, kích động làm người dân hoang mang, mà chúng ta không biết xử lý như thế nào rất nguy hiểm.

Tín dụng tình thế

- Nhìn rộng hơn, ông đánh giá như thế nào trong vấn đề quản lý tín dụng của Việt Nam?

Tín dụng của Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn tình thế. Do áp lực bởi các gói kích cầu mà tất cả các điều kiện tín dụng cũng như các yếu tố đảm bảo tính an toàn của hệ thống phải có sự châm chước. Và việc kiểm soát tín dụng hiện nay phải được tăng cường.

Cho vay hiện nay có mấy loại: cho vay theo thỏa thuận, cho vay theo lãi suất bù lãi suất và trong bảo lãnh có châm chước 1 số điều kiện châm chước: nợ quá hạn cũng bảo lãnh được, tài sản thế chấp lấy ngay khoản vay làm tài sản thế chấp.

Tất cả các kênh tín dụng đang được mở ra, châm chước điều kiện, châm chước yếu tố và được nhà nước bù lãi suất.

Đây là vấn đề rất lớn, giúp sản xuất kinh doanh thoát ra được, nhưng nếu không kiểm soát chặt chẽ, nếu không theo dõi đến cùng dòng tiền đi vào đâu, có hiệu quả hay không, có bị chia chác, thất thoát hay không, có bị lợi dung hay không thì khả năng nợ xấu, nợ quá hạn của ngân hàng sẽ tăng lên rất nhanh, và rủi ro sẽ dồn cho ngân hàng rất lớn.

Vì thế, trong lúc này, việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát cho vay đúng chuẩn, cho vay đúng tất cả yếu tố được vận dụng, phải loại bỏ hết yếu tố tiêu cực thì mới đảm bảo được khả năng phục vụ tốt. Đồng thời dư nợ quá hạn, dư nợ xấu tăng lên rất hạn chế.

Do đó phải được tập trung xử lý qua công tác thanh tra kiểm tra hoạt động cho vay như thế nào cho đúng địa chỉ, kịp thời.

- Hiện nay chúng ta đã có cơ chế nào để kiểm soát cho tới tận cùng của dòng tiền hay chưa?

Nói chung có 2 nấc. NHNN kiểm tra theo kiểu điển hình, theo kiểu từ xa, phát hiện khuynh hướng. Còn việc tự kiểm tra, giám sát của các NHTM cần phải được đặt lên, vì cái này liên quan trực tiếp đến NHTM. Tự kiểm tra mà không đảm bảo thì hậu quả sẽ đến ngay với NHTM.

Ví dụ, NHTM cho vay dễ dãi mà bất chấp điều kiện hoặc không đủ điều kiện, thì chính NHTM sẽ lãnh hậu quả trước hết. Gói kích cầu của Chính phủ mang tính hỗ trợ, để đảm bảo hạn chế những tác động do suy giảm. Tuy nhiên, không vì thế mà NHTM cho vay một cách bừa bãi, thoát ly hẳn các điều kiện quy định. Nếu không, hậu quả sẽ đến tức thì.

Giá cả cạnh tranh sinh lợi nhuận

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Sau khi trả lời năm câu hỏi dưới đây, bạn sẽ thấy việc thiết lập giá cả cạnh tranh và có lợi nhuận dễ hơn bạn nghĩ.

Thiết lập giá cả có thể là phần khó nhất trong việc quản lý một doanh nghiệp thành đạt. Bạn muốn cạnh tranh nhưng bạn cũng muốn có lợi nhuận nếu bạn muốn tồn tại lâu dài.
Vậy làm thế nào để bạn có thể thiết lập được giá cả tạo cho bạn cả hai lợi thế trên? Bạn có thiết lập giá cả căn cứ vào giá cả của các đối thủ của bạn? Hay căn cứ vào chi phí của bạn? Hay căn cứ vào giá cả mà khách hàng đồng ý trả?

Câu trả lời cho tất cả câu hỏi trên sẽ là: có. Bạn phải hiểu rằng bạn không chỉ căn cứ vào chi phí của mình mà còn phải căn cứ vào thị trường đầy cạnh tranh cũng như là phải thiết lập giá cả mang lại lợi nhuận từ sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn - một phần của biểu thức thì chưa đủ. Cho nên bạn phải định giá cạnh tranh cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình nhưng bạn cũng phải đảm bảo rằng với giá ấy bạn sẽ thu được lợi nhuận.

Vậy bạn nên cân nhắc đến những vấn đề gì khi bạn định giá sản phẩm? Những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn trong vấn đề này:

1. Chi phí trực tiếp của sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp là gì? Đây thường là phần dễ nhất của biểu thức để lên kế hoạch bởi vì nó đề cập tới những nguyên liệu trực tiếp và sức lao động trong sản phẩm của bạn.

2. Chi phí gián tiếp cho sản phẩm của bạn là gì?
Những chi phí này thường là tổng chi phí và bao gồm cả những thứ như bảo hiểm, quảng cáo, thuê nhà, chi phí văn phòng và vv… Mặc dù những chi phí này không trực tiếp góp vào chi phí sản xuất của bạn nhưng bạn cũng cần phải biết chúng là bao nhiêu để tính toán giá bán cho hợp lý.

3. Điểm hoà vốn là gì? Hoà vốn là nơi mà chi phí sản xuất của bạn và số tiền mà bạn thu được bằng nhau, bạn không có lãi. Khi bạn đã hoà vốn thì các sản phẩm còn lại sẽ đem lại lợi nhuận cho bạn. Bạn không thể điều hành doanh nghiệp mà không biết bạn còn bao nhiêu hàng cần phải bán trước khi bạn thu được lợi nhuận. Và nếu điểm hoà vốn của bạn là bạn phải bán được 20 đơn vị/tháng nhưng trên thực tế, thị trường chỉ tiêu thụ được 10 đơn vị/tháng thì bạn cần phải định mức lại cách thức kinh doanh của mình.

4. Đối thủ cạnh tranh của bạn chào hàng như thế nào? So sánh cách chào hàng và giá cả của đối thủ để thấy được lợi thế của bạn trên thị trường. Tuy nhiên bạn không nên chỉ tập trung vào mỗi giá bởi vì các doanh nghiệp nhỏ thường không thể cạnh tranh bằng giá cả về lâu về dài mà có thể tồn tại. Hãy kiểm tra các công đoạn bên trong và quyết định khi nào bạn có thể thu thêm lợi nhuận mà không cần phải tăng thêm chi phí. Các lợi nhuận thu thêm có thể giúp bạn khuyến mại khách hàng và định giá sản phẩm của bạn lợi nhuận hơn.

5. Tình trạng hiện thời của ngành nghề bạn đang làm và của toàn bộ nền kinh tế? Cuộc sống luôn luôn thay đổi và bạn phải nhận thức được sự thay đổi ấy trong ngành nghề của bạn cũng như trong toàn bộ nền kinh tế khi bạn lên kế hoạch để sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ mới. Những thứ lên cơn sốt trong năm vừa qua thường sẽ không còn sốt nữa trong năm nay và bạn phải hiểu thị trường để có thể tiếp tục có những quyết định kinh doanh sáng suốt.

Là một chủ doanh nghiệp, những phản ứng ban đầu của bạn có thể hạ thấp giá chào hàng của bạn vì thế bạn có thể tạo ra khối lượng bán hàng lớn. Nhưng điều này thường không phải là một sự lựa chọn mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Thường sẽ có một người nào đó bên ngoài sẵn sàng ngưng kinh doanh bằng việc không kiểm soát lợi nhuận và chào hàng ở giá thấp. Nhưng không có lợi nhuận thì bạn sẽ tiếp tục công việc như thế nào? Bạn không thể! Vì thế rất quan trọng để biết thị trường đang cần gì và làm thế nào để bạn đáp ứng được những nhu cầu ấy với các sản phẩm và dịch vụ mang lại lợi nhuận cho bạn.

Mọi quyết định về giá cả mà bạn đưa ra nên đưa ra những tác động nơi mà khách hàng của bạn có thể có được giá trị sử dụng xứng với đồng tiền họ bỏ ra và việc kinh doanh của bạn sẽ thu được lợi nhuận. Lợi nhuận là thứ đưa đến cho bạn nguồn vốn từ bên ngoài để tạo dựng quỹ nghiên cứu và phát triển, để mua bán những tài sản và chia cho những người chủ khác hoặc những nhà đầu tư khác.

Gói kích thích càng lớn, nỗi lo càng tăng

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Hơn 3 tháng sau khi gói kích thích 17.000 tỉ đồng cho vay bù lãi suất được triển khai, vẫn chưa có những thống kê đầy đủ để đánh giá hiệu quả.

Đây chính là yếu tố gây ra sự quan ngại, được thể hiện ngay trong phiên thảo luận ở tổ tại Quốc hội. Giá trị của các gói kích thích càng to, nỗi lo càng lớn. Gói kích thích ở Việt Nam có đủ lớn?

Theo Giáo sư đoạt giải Nobel Kinh tế 2008 Paul Krugman, hầu hết các gói kích thích của các quốc gia trên thế giới nhằm vực dậy nền kinh tế đều chưa đủ lớn. Quy mô của các gói phần lớn chỉ dừng lại ở mức 2,5% GDP. Chính vì thế, nhiều chính phủ đã phải đưa ra gói kích thích thứ hai.

Tại VN, sau gói 17.000 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD), tới tháng ba, Chính phủ lại đưa ra tiếp gói kích thích thứ hai với trị giá lên đến 8 tỉ USD (tương đương 145.000 tỉ đồng). Theo TS Nguyễn Đức Kiên - ĐB Quốc hội tỉnh Sóc Trăng - trị giá của gói thứ hai tương đương với 10% GDP quốc gia.

Nếu xét theo tiêu chí GS Krugman đưa ra, là các gói kích thích chí ít phải bằng từ 4%-5% GDP thì mới đủ mạnh kích cầu, thì cả hai gói kích thích của VN đã đủ lớn về quy mô (giá trị) và kích cỡ (lĩnh vực chi phối: Từ kích cầu đầu tư, sản xuất sang lĩnh vực tiêu dùng). Nếu xét theo tỉ lệ so với GDP, các gói kích thích của VN thuộc hàng cao so với nhiều nước trên thế giới. Và nó lại càng "lớn" hơn so với hiện trạng nền kinh tế: Kinh tế Việt Nam mới suy giảm chứ chưa suy thoái như các quốc gia Mỹ và Châu Âu, Nhật Bản.

Cùng một nỗi lo

Chuyến đến Việt Nam diễn thuyết của GS Krugman - ngay trong cuộc họp báo ngày 21.5, ông đã cho rằng: "Các giải pháp kích cầu, ngoài gói kích thích kinh tế, các quốc gia như VN còn có thể sử dụng các giải pháp về tài chính, tài khoá, can thiệp vào thị trường tài chính để giảm bớt tác động xấu của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu".

Trong thông điệp này, GS Krugman khuyến cáo: "Chính phủ Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính và các định chế tài chính để kịp ngăn chặn các rủi ro về tài chính trong quá trình triển khai gói kích thích, cho vay ưu đãi...".

Sau thông điệp này, ngày 22.5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; kiểm soát cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng; cấm nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Đây là một phản ứng nhanh. Tuy nhiên, để theo sát tình hình và nhằm kịp thời phát hiện các hành vi xé rào nhằm thu lợi nhanh trong việc cho vay ưu đãi lãi suất - theo nhiều chuyên gia, cần phải có các cuộc kiểm tra.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, trị giá các gói kích thích bằng 10% GDP được đưa vào nền kinh tế trong một thời gian không quá dài dễ tạo ra lạm phát. Đây là vấn đề đã được cảnh báo từ nhiều tháng trước. Cho đến tháng năm, chỉ số CPI dù chỉ tăng 0,44%, nhưng tính chung cả 5 tháng đầu năm 2009, CPI đã tăng hơn so với năm 2008 đến 11,59%.

Tuy nhiên, đến Việt Nam diễn thuyết lần đầu, GS Krugman cho rằng điều đáng lo ngại là giảm phát chứ không phải là lạm phát. Độ chênh trong sự nhìn nhận này cũng cần được xem xét, đánh giá để tìm ra cách ứng phó phù hợp với tình hình.

Thế nhưng, điểm chung của hai phía nhận định khác nhau này lại là vấn đề đáng lo nhất hiện nay: Cơ chế, chương trình giám sát, kiểm tra ra sao để biết các gói kích thích có được triển khai một cách hiệu quả hay không? Nếu triển khai kém hiệu quả, tình trạng lãng phí, thất thoát sẽ xảy ra, đồng thời tạo ra tác nhân thúc đẩy lạm phát mạnh hơn. Vấn đề này đến nay vẫn đang là một khoảng trống chưa có câu trả lời.

Khả năng cạnh tranh nhìn từ chính sách tỷ giá

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Sau loạt bài về hàng Trung Quốc, Sài Gòn Tiếp Thị nhận được bài viết của tiến sĩ kinh tế Lê Hồng Giang về phân tích ảnh hưởng của chính sách tỷ giá với khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong thời gian qua, cũng như ảnh hưởng lâu dài tới chính sách phát triển kinh tế

Trên danh nghĩa, thì năm năm qua, tiền Việt mất giá gần 25% so với đồng nhân dân tệ.

Kém cạnh tranh do chính sách tỷ giá


Tuy nhiên, lý thuyết ngoại thương chỉ ra, sức cạnh tranh của hàng hoá phụ thuộc vào tỷ giá thực chứ không phải tỷ giá danh nghĩa. Với những nước có tốc độ lạm phát cao như Việt Nam, phân biệt giữa tỷ giá thực và tỷ giá danh nghĩa khi nói về sức cạnh tranh rất quan trọng. Dựa trên nguồn số liệu từ Asian Development Outlook 2009 của ADB, tôi tạm tính tỷ giá thực giữa đồng tệ và tiền đồng, dùng số liệu chỉ giá tiêu dùng của Việt Nam và Trung Quốc để hiệu chính.

Có thể thấy trong giai đoạn 2004 – 2008 mặc dù tỷ giá danh nghĩa giữa đồng tệ và tiền đồng tăng gần 25%, tỷ giá thực giảm khoảng 8%. Nghĩa là hàng hoá Việt Nam đã bị giảm sức cạnh tranh so với hàng Trung Quốc vì tác dụng của tỷ giá. Tiền đồng dù trên danh nghĩa mất giá so với đồng tệ, nhưng khi tính đến tác dụng của lạm phát đã không mất giá đủ mạnh để giúp hàng Việt Nam tăng sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Nước Mỹ, trong suốt ba đời tổng thống từ Clinton đến Obama, đã tìm mọi cách ép Trung Quốc tăng giá đồng tệ để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại. Nghĩa là đồng tệ đã được định giá thấp hơn giá trị thực so với USD trong một thời gian dài, theo quan điểm của nhiều nhà kinh tế. Trong khi đó, tiền đồng lại được định giá cao hơn giá trị thực so với đồng tệ. Như vậy không chỉ hàng Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh hơn hàng Việt Nam trên thị trường Việt Nam mà hàng Việt Nam còn khó khăn hơn khi xuất sang các nước khác ngoài Trung Quốc.

Ảnh hưởng từ tăng trưởng nóng

Lý do căn bản đằng sau việc định giá tiền đồng cao so với đồng tệ, USD, và đa số các đồng tiền khác là lạm phát của Việt Nam quá cao trong khi tỷ giá danh nghĩa lại được giữ tương đối ổn định. Lạm phát cao là hệ quả của việc nền kinh tế phát triển quá nóng song song với chính sách tiền tệ đã quá nới lỏng. Kinh tế phát triển nóng trong giai đoạn 2002 – 2007 biểu hiện rất rõ không chỉ qua các chỉ số kinh tế như tăng trưởng GDP, giá bất động sản, chứng khoán, mà còn qua tình trạng thiếu điện, kẹt xe tràn lan. Dòng vốn nước ngoài, trong đó có cả kiều hối, lũ lượt chảy vào Việt Nam vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của kinh tế phát triển nóng. Thêm vào đó, lượng vốn nước ngoài đổ vào là tiền đề cho chính sách nới lỏng tiền tệ khi ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ cho quỹ dự trữ quốc gia nhưng không hoặc thiếu khả năng thực hiện chính sách thanh khoản đối ứng nhằm thu hồi bớt nội tệ từ lưu thông nhằm vô hiệu hoá hoặc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc thu mua ngoại tệ tới giá trị nội tệ.

Cũng chính dòng chảy vốn nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian đó giúp cho Việt Nam có khả năng duy trì tỷ giá danh nghĩa tương đối ổn định dù nhập siêu ngày càng lớn. Ngoài lý do khách quan này, về mặt chủ quan ngân hàng Nhà nước cũng có thể lưỡng lự không muốn phá giá tiền đồng mạnh hơn do lo ngại đến khả năng trả nợ và cũng chính vì mối lo lạm phát. Tuy vậy, vấn đề này có thể không quá lớn vì nợ chính phủ có lẽ đa phần còn trong giai đoạn ân hạn nên chưa phải trả nhiều lãi suất, trừ 750 triệu USD phát hành ở New York năm 2005. Trong khi đó, Trung Quốc tuy có thặng dư thương mại lớn nhưng nợ nước ngoài ở lĩnh vực tư nhân còn lớn hơn.

Lo ngại về lạm phát là một lo ngại chính đáng, tuy nhiên cần phải phân tích kỹ hơn về ảnh hưởng của tái định giá tiền đồng vào lạm phát. Nếu một phần lớn hàng nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu, việc xác định lại giá trị của tiền đồng sẽ không có nhiều hiệu quả kích thích xuất khẩu ở những ngành công nghiệp này. Tuy nhiên ảnh hưởng của tái định giá vào lạm phát trong nước sẽ không nhiều vì rổ hàng hoá của người tiêu dùng trong nước có tỷ lệ hàng nhập khẩu không cao. Có lẽ ảnh hưởng lớn nhất vào lạm phát và tính cạnh tranh của hàng nội địa sau khi xác định lại tỷ giá sẽ thông qua giá xăng dầu nhập khẩu. Khi tăng giá xăng 30% vào tháng 7.2008, theo tính toán của tác giả, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng mạnh nhưng chỉ khoảng 1,47% trong tháng đầu tiên. Ngay cả nếu tốc độ tăng giá này kéo dài trong cả năm sau đó thì mức độ cạnh tranh của hàng Việt Nam nếu chỉ xét về giá vẫn được cải thiện. Do vậy, xét về khía cạnh tính cạnh tranh của hàng Việt Nam ngay trên thị trường nội địa, việc định lại giá trị tiền đồng sẽ có tác dụng tích cực kể cả nếu các mặt hàng này dùng một phần nguyên liệu, bán thành phẩm ngoại nhập.

Một hệ quả quan trọng của việc định lại giá đồng nội tệ hoặc thả lỏng cơ chế quản lý tỷ giá để tiền đồng tự điều chỉnh dần dần là dòng vốn nước ngoài chảy vào sẽ giảm sút. Trên quan điểm vĩ mô thì điều này tốt vì nó làm nền kinh tế cân bằng hơn và giảm bớt sức ép lạm phát. Nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển chậm lại, về đúng tốc độ tăng trưởng tự nhiên và bền vững của nó chứ không phải quá nóng như vài năm vừa rồi.

Sai lầm cần tránh trong kế toán tài chính

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Làm công tác kế toán như nuôi con mọn, mỗi nghiệp vụ, mỗi quá trình đều cần tới các thủ tục giấy tờ mà nhiều khi người thực hiện không để ý tới hoặc không lường trước, Một sai sót dù rất nhỏ cũng có thể dẫn đến nhiều phiền phức cho doanh nghiệp, thậm chí có thể tiềm ẩn hậu quả rất lớn.
Bài viết này xin giới thiệu tới bạn đọc những sai sót nho nhỏ cần tránh khi thực hiện tác nghiệp hoặc hoàn thiện các thủ tục chứng từ kế toán.

Sai sót về hóa đơn

Khi mua hoá đơn :

Giấy giới thiệu (GGT) :

- Không ghi rõ đến cơ quan thuế để mua hoá đơn (chỉ ghi chung chung đến liên hệ công tác…)


- Các chỉ tiêu như số giấy giới thiệu, ngày, họ tên và chức vụ người được cử đi, tên chữ ký của người ĐDPL, đóng đấu …… không rõ ràng. Nhân viên đến mua hoá đơn :

- Không mang theo CMND ( Người được giới thiệu )

- Khi gần hết giờ hành chánh mới đến liên hệ mua hoá đơn .

- Cử người không hiểu biết về hoá đơn chứng từ (như bảo vệ, tạp vụ, nhân viên trực điện thoại…) đi mua hoá đơn .

- Không đem theo Phiếu theo dõi tình hình cấp phát hóa đơn ,

- Không lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn ở ký gần nhất .

- Chưa chuẩn bị con dấu khắc Tên DN , Mã số thuế ) để đóng trên liên 2 Sử dụng hoá đơn :

Khi mua hàng :

- Không nhận hoá đơn tại nơi xuất hàng mà nhận hoá đơn do người bán đem đến (dễ bị nhận hoá đơn giả).

Khi xuất hàng :

- Không xuất hoá đơn GTGT đối với Hàng hóa Xuất khẩu ,

- Không xuất hoá đơn đối với doanh thu hàng uỷ thác xuất khẩu.

- Không lót giấy carbon giữa các liên.

- Thiếu chữ ký người mua trên hoá đơn.

- Không ghi thuế suất thuế GTGT . Báo cáo sử dụng hoá đơn : Không lập báo cáo sử dụng hoá đơn theo định kỳ.( Tháng , Quý , Năm ) Các bảng kê hoá đơn bán ra , mua vào :

- Ghi không đầy đủ cột mục theo qui định.

- Cột ngày chứng từ ghi không theo đúng định dạng 30/01/2002 (ghi sai là 01/30/2002 hoặc 30-Jan-02, 2002-01-30 v.v…)

- Trong bảng kê HHDV bán ra không ghi đúng thứ tự số hoá đơn đã sử dụng, không kê hoá đơn đã huỹ vào bảng kê, đồng thời cũng dễ bị kê khai trùng nhiều lần cho cùng một hoá đơn.

- Không lập bảng kê riêng đối với hàng hoá bán ra không chịu thuế GTGT (như hàng đại lý bán đúng giá)

- Trong bảng kê hoá đơn mua vào không lập bảng kê riêng đối với những hàng hoá dịch vụ phục vụ cho sản xuất, hàng không chịu thuế GTGT.

Sai sót về kê khai thuế

Kê khai thuế GTGT hàng tháng

- Thiếu chỉ tiêu 5 (dòng thuế GTGT được khấu trừ)

- Nhầm lẫn giữa các dòng làm sai lệch nội dung của tờ khai.

- Nhân viên kế toán làm cho nhiều công ty khác nhau, khi lập tờ khai bằng máy tính quên thay đổi mã số thuế, tên công ty, địa chỉ …. của công ty.

- Gộp doanh thu và thuế đầu ra của nhiều thuế suất ghi chung vào một dòng

- Không tính gộp cả doanh thu của HHDV không chịu thuế GTGT vào chỉ tiêu 1.

- Cấn trừ số thuế phát sinh âm kỳ này với nợ thuế GTGT chưa nộp của kỳ trước.

- Tính vào số thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá nhập khẩu theo thông báo của Hải Quan, trong khi chưa nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu đó.

- Kê khai khấu trừ 3% đối với hàng hoá không thuộc diện chịu thuế GTGT, hoặc hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB nhưng mua về không phải để bán ra.

- Không tách riêng bảng kê Hàng hóa DV mua vào có hóa đơn bán hàng được khấu trừ tỷ lệ 3% . Kê khai thuế thu nhập cá nhân hàng tháng đã chặn trừ tại nguồn :

- Hàng tháng đã chặn trừ thuế thu nhập của người lao động nhưng chiếm dụng không kê khai và nộp vào ngân sách kịp thời đúng theo qui định của pháp lệnh thuế thu nhập.

- Những đơn vị có nộp thuế TNCN của người nước ngoài, không lập riêng tờ khai hoặc đã kê khai lẫn lôn giữa người VN với người nước ngoài. Kê khai thuế Thu nhập doanh nghiệp hàng năm :

- Không chủ động kê khai đúng thời gian theo qui định của Luật thuế, bị cơ quan thuế nhắc nhở, xử phạt hành chánh.

- Đơn vị tính : Nội dung số liệu không tương ứng với đơn vị tính đã ghi bên trên biểu mẫu.

- Không ghi đầy đủ các khoản chi phí theo đúng mẫu qui định.

Quyết toán thuế GTGT năm

- Dòng thuế phải nộp ghi tổng số thuế đầu ra, và dòng thuế đã nộp ghi tổng thuế GTGT đầu vào.

- Dòng thuế đã nộp năm quyết toán : Ghi sai là số đã nộp cho năm báo cáo (bao gồm cả thuế đã nộp vào tháng 1 năm sau nộp cho tháng 12 năm trước). Đúng ra là số đã thực nộp trong năm báo cáo (bao gồm những chứng từ nộp từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm báo cáo, không phân biệt nộp cho năm báo cáo hay truy nộp cho các năm trước).

Hồ sơ báo cáo quyết toán thuế

- Không thiết lập đầy đủ hồ sơ về tài sản cố định, mua sắm TSCĐ không có hoá đơn hợp lệ. - Thiếu bảng đăng ký tiền lương; hạch toán chi phí tiền lương nhưng thiếu hợp đồng lao động; bảng lương không có người ký nhận.

- Thiếu bảng kê hồ sơ quyết toán thuế (liệt kê danh sách hồ sơ đính kèm theo nhằm tránh thất lạc).

- Doanh nghiệp được thụ hưởng chế độ miễn giảm do ưu đãi đầu tư nhưng quên hoặc không biết cách hạch toán và báo cáo quyết toán với cơ quan thuế; hoặc chờ cơ quan thuế đến kiểm tra để xác định số thuế được miễn giảm.

Nộp thuế
- Ghi nhầm tên người nộp là tên cá nhân đi nộp tiền ( Phải ghi tên pháp nhân Doanh nghiệp ).

- Không nắm rõ các qui định về thời hạn nộp thuế của từng sắc thuế để chủ động nộp trước ngày hết hạn, bị cơ quan thuế nhắc nộp và bị phạt nộp chậm.

- Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước : Không ghi rõ tài khoản của cơ quan thuế trên giấy nộp tiền, thiếu quan tâm ý nghĩa của những mã hiệu mục lục ngân sách nhà nước có liên quan (cấp, chương, loại, khoản, muc, tiểu mục) để ghi cho đúng.

- Khi phát sinh khoản phải nộp (không thuộc các loại thuế thông thường) đã không lập tờ khai nộp cho cơ quan thuế

Sai sót trong hạch toán kế toán


- Ngay sau khi lập đề nghị hoàn thuế GTGT, doanh nghiệp đã không hạch toán làm giảm số dư nợ, không hạch toán đồng thời vào tài khoản phải thu phải trã, mà vẫn để số thuế nầy được tiếp tục khấu trừ cho kỳ sau.

- Ngay sau khi nhận được quyết định xử lý, xử phạt… của cơ quan thuế, doanh nghiệp không thực hiện hạch toán ngay vào sổ sách kế toán hiện hành, làm số dư các tài khoản thanh toán với ngân sách khác biệt.

- Sổ sách kế toán áp dụng máy vi tính : Định kỳ hàng tháng không in ra toàn bộ sổ sách phát sinh; sổ đã in ra không có số trang, không có giám đốc và kế toán trưởng ký; không tự đóng dấu giáp lai.

Đăng ký thuế

- Thay đổi kế toán trưởng, địa chỉ kinh doanh , tài khoản và ngân hàng , điện thoại, fax, e-mail…. không đăng ký với cơ quan thuế.

Hoàn thuế GTGT

Hồ sơ chứng minh hàng xuất khẩu :

- Không thuyết minh sự sai biệt giữa hoá đơn và tờ khai Hải quan; giữa hoá đơn và chứng từ thanh toán.

- Thiếu chứng từ thanh toán hợp pháp đối với hàng xuất khẩu .

- Không có xác nhận của Hải quan tại ô 47 của tờ khai Hải quan .

Văn thư đề nghị hoàn thuế (mẫu 10/GTGT) không xác định mình thuộc đối tượng cụ thể nào được hoàn thuế (xuất khẩu hay âm luỹ kế 3 tháng v.v…).

Bảng kê khai tổng hợp số thuế phát sinh đề nghị hoàn không khớp với số thuế GTGT đã kê khai hàng tháng (phải điều chỉnh lại số liệu đã kê khai nhầm trước khi lập hồ sơ hoàn thuế).

Phó giám đốc hoặc người được uỷ quyền ký tên vào văn thư đề nghị hoàn thuế GTGT không được xem là hợp lệ.

Tài khoản đề nghị chuyển số tiền thuế GTGT được hoàn không đúng với số hiệu tài khoản và tên ngân hàng đã đăng ký thuế.

Chỉ số tài chính quan trọng

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Biết tính toán và sử dụng các chỉ số tài chính không chỉ có ý nghĩa với nhà phân tích tài chính, mà còn rất quan trọng với nhà đầu tư cũng như với chính bản thân doanh nghiệp và các chủ nợ…Các chỉ số tài chính cho phép chúng ta so sánh các mặt khác nhau của các báo cáo tài chính trong một doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác trong toàn ngành để xem xét khả năng chi trả cổ tức cũng như khả năng chi trả nợ vay…

Chỉ số tài chính giúp nhà phân tích có thể tìm ra được xu hướng phát triển của doanh nghiệp cũng như giúp nhà đầu tư, các chủ nợ kiểm tra được tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Trong bài viết này  xin giới thiệu cách tính một vài chỉ số tài chính quan trọng.

Có 4 loại chỉ số tài chính quan trọng:


- Chỉ số thanh toán: các chỉ số trong loại này được tính toán và sử dụng để quyết định xem liệu một doanh nghiệp nào đó có khả năng thanh toán các nghĩa vụ phải trả ngắn hạn hay không?

- Chỉ số hoạt động: Các chỉ số hoạt động cho thấy doanh nghiệp hoạt động tốt như thế nào. Trong các chỉ số của loại này lại được chia ra các chỉ số “lợi nhuận hoạt động” và ”hiệu quả hoạt động”. Các chỉ số về lợi nhuận hoạt động cho biết tổng thể khả năng sinh lợi của công ty, còn chỉ số về hiệu quả hoạt động cho thấy doanh nghiệp đã sử dụng tài sản hiệu quả đến mức nào?

- Chỉ số rủi ro: bao gồm chỉ số rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính. Rủi ro kinh doanh liên quan đến sự thay đổi trong thu nhập ví dụ như rủi ro của dòng tiền không ổn định qua các thời gian khác nhau. Rủi ro tài chính là rủi ro liên quan đến cấu trúc tài chính của công ty, ví dụ như việc sử dụng nợ.

- Chỉ số tăng trưởng tiềm năng: đây là các chỉ số cực kỳ có ý nghĩa với các cổ đông và nhà đầu tư để xem xét xem công ty đáng giá đến đâu và cho phép các chủ nợ dự đoán được khả năng trả nợ của các khoản nợ hiện hành và đánh giá các khoản nợ tăng thêm nếu có.

1.Chỉ số thanh toán:

Chỉ số thanh toán hiện hành (current ratio):

Đây là chỉ số đo lường khả năng doanh nghiệp đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn. Nói chung thì chỉ số này ở mức 2-3 được xem là tốt. Chỉ số này càng thấp ám chỉ doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đối với việc thực hiện các nghĩa vụ của mình nhưng một chỉ số thanh toán hiện hành quá cao cũng không luôn là dấu hiệu tốt, bởi vì nó cho thấy tài sản của doanh nghiệp bị cột chặt vào “ tài sản lưu động” quá nhiều và như vậy thì hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp là không cao.

Công thức tính :

Chỉ số thanh toán hiện hành= tài sản lưu động/ nợ ngắn hạn

Chỉ số thanh toán nhanh ( quick ratio):
Chỉ số thanh toán nhanh đo lường mức thanh khoản cao hơn. Chỉ những tài sản có tính thanh khoản cao mới được đưa vào để tính toán. Hàng tồn kho và các tài sản ngắn hạn khác được bỏ ra vì khi cần tiền để trả nợ, tính thanh khoản của chúng rất thấp.

Chỉ số thanh toán nhanh=( tiền mặt+ chứng khoán khả mại+ các khoản phải thu)/ nợ ngắn hạn.

Chỉ số tiền mặt:

Chỉ số tiền mặt cho biết bao nhiêu tiền mặt và chứng khoán khả mại của doanh nghiệp để đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Nói cách khác nó cho biết, cứ một đồng nợ ngắn hạn thì có bao nhiêu tiền mặt và chứng khoán khả mại đảm bảo chi trả?

Chỉ số tiền mặt = (tiền mặt+ chứng khoán khả mại)/ nợ ngắn hạn

Chỉ số dòng tiền từ hoạt động:

Các khoản phải thu ít và giới hạn vòng quay hàng tồn kho có thể làm cho thông tin nhà các chỉ số thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh không thật sự mang ý nghĩa như kỳ vọng của các nhà sử dụng báo cáo tài chính. Bởi vậy chỉ số dòng tiền hoạt động lúc này lại là một chỉ dẫn tốt hơn đối với khả năng của công ty trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn với tiền mặt có được từ hoạt động

chỉ số dòng tiền hoạt động= dòng tiền hoạt động/ nợ ngắn hạn

Chỉ số vòng quay các khoản phải thu:

Đây là một chỉ số cho thấy tính hiệu quả của chính sách tín dụng mà doanh nghiệp áp dụng đối với các bạn hàng. Chỉ số vòng quay càng cao sẽ cho thấy doanh nghiệp được khách hàng trả nợ càng nhanh. Nhưng nếu so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành mà chỉ số này vẫn quá cao thì có thể doanh nghiệp sẽ có thể bị mất khách hàng vì các khách hàng sẽ chuyển sang tiêu thụ sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh cung cấp thời gian tín dụng dài hơn. Và như vậy thì doanh nghiệp chúng ta sẽ bị sụp giảm doanh số. Khi so sánh chỉ số này qua từng năm, nhận thấy sự sụt giảm thì rất có thể là doanh nghiệp đang gặp khó khăn với việc thu nợ từ khách hàng và cũng có thể là dấu hiệu cho thấy doanh số đã vượt quá mức.

Vòng quay các khoản phải thu= doanh số thuần hàng năm/ các khoản phải thu trung bình
Trong đó: các khoản phải thu trung bình= (các khoản phải thu còn lại trong báo cáo của năm trước và các khoản phải thu năm nay)/2

Chỉ số số ngày bình quân vòng quay khoản phải thu :

Cũng tương tự như vòng quay các khoản phải thu, có điều chỉ số này cho chúng ta biết về số ngày trung bình mà doanh nghiệp thu được tiền của khách hàng

số ngày trung bình= 360/ vòng quay các khoản phải thu

Chỉ số vòng quay hàng tồn kho:

Chỉ số này thể hiện khả năng quản trị hàng tồn kho hiệu quả như thế nào. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho càng cao càng cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều trong doanh nghiệp. Có nghĩa là doanh nghiệp sẽ ít rủi ro hơn nếu nhìn thấy trong báo cáo tài chính, khoản mục hàng tồn kho có giá trị giảm qua các năm. Tuy nhiên chỉ số này quá cao cũng không tốt vì như thế có nghĩa là lượng hàng dự trữ trong kho không nhiều, nếu nhu cầu thị trường tăng đột ngột thì rất khả năng doanh nghiệp bị mất khách hàng và bị đối thủ cạnh tranh giành thị phần. Thêm nữa, dự trữ nguyên liệu vật liệu đầu vào cho các khâu sản xuất không đủ có thể khiến cho dây chuyền bị ngưng trệ. Vì vậy chỉ số vòng quay hàng tồn kho cần phải đủ lớn để đảm bảo mức độ sản xuất đáp ứng được nhu cầu khách hàng.

Vòng quay hàng tồn kho=giá vốn hàng bán/hàng tồn kho trung bình
Trong đó: hàng tồn kho trung bình= (hàng tồn kho trong báo cáo năm trước+ hàng tồn kho năm nay)/2

Chỉ số số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho:

Tương tự như vòng quay hàng tồn kho có điều chỉ số này quan tâm đến số ngày.

số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho=365/ vòng quay hàng tồn kho

Chỉ số vòng quay các khoản phải trả:

Chỉ số này cho biết doanh nghiệp đã sử dụng chính sách tín dụng của nhà cung cấp như thế nào. Chỉ số vòng quay các khoản phải trả quá thấp có thể ảnh hưởng không tốt đến xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.

vòng quay các khoản phải trả=doanh số mua hàng thường niên/ phải trả bình quân
trong đó
doanh số mua hàng thường niên= giá vốn hàng bán+hàng tồn kho cuối kỳ - hàng tồn kho đầu kỳ
phải trả bình quân=(phải trả trong báo cáo năm trước + phải trả năm nay)/2

Chỉ số số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả:

số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả= 365/ vòng quay các khoản phải trả .

2. Chỉ số hoạt động:

Chỉ số lợi nhuận hoạt động:

Lợi nhuận hoạt động được cấu thành bởi lợi nhuận hoạt động và lợi nhuận đầu tư
Lợi nhuận bán hàng:

Biên lợi nhuận thuần:

Chỉ số này cho biết mức lợi nhuận tăng thêm trên mỗi đơn vị hàng hoá được bán ra hoặc dịch vụ được cung cấp. Do đó nó thể hiện mức độ hiệu quả của hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp. Dĩ nhiên là chỉ số này khác nhau giữa các ngành.

Biên lợi nhuận thuần= lợi nhuận ròng/ doanh thu thuần
Trong đó: lợi nhuận ròng= doanh thu thuần- giá vốn hàng bán

Biên lợi nhuận hoạt động:

Biên lợi nhuận hoạt động= thu nhập hoạt động/ doanh thu thuần
Trong đó: thu nhập hoạt động= thu nhập trước thuế và lãi vay từ hoạt động kinh doanh bán hàng và cung cấp dịch vụ

Biên EBITDA


Biên EBITDA= Lợi nhuận trước thuế và khấu hao/ doanh thu thuần

Biên EBT:

Chỉ số này cho biết khả năng hoạt động của hoạt động doanh nghiệp.
Biên lợi nhuận truớc thuế= thu nhập trước thuế/ doanh thu

Biên lợi nhuận ròng

Biên lợi nhuận ròng= thu nhập ròng/ doanh thu

Biên lợi nhuận phân phối:

Chỉ số này cho biết bao nhiêu doanh thu được phân phối cho các chi phí cố định trong mỗi đơn vị hàng bán ra.
Biên lợi nhuận phân phối = tổng doanh thu phân phối/ doanh thu
Trong đó: doanh thu phân phối = doanh thu – chi phí biến đổi

Lợi nhuận đầu tư

Tỷ suất sinh lợi trên tài sản ( ROA):

Đo lường hiệu quả hoạt động của công ty mà không quan tâm đến cấu trúc tài chính

ROA= thu nhập trước thuế và lãi vay/ tổng tài sản trung bình
Trong đó: tổng tài sản trung bình= (tổng tài sản trong báo báo năm trước+ tổng tài sản hiện hành)/2

Tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần thường ( ROCE):

Đo lường khả năng sinh lợi đối với các cổ đông thường không bao gồm cổ đông ưu đãi.

ROCE= (Thu nhập ròng - cổ tức ưu đãi)/ vốn cổ phần thường bình quân
Trong đó : vốn cổ phần thường bình quân= (vốn cổ phần thường trong báo cáo năm trước + vốn cổ phần thường hiện tại)/2

Tỷ suất sinh lợi trên tổng vốn cổ phần (ROE):

Đo lường khả năng sinh lơị đối với cổ phần nói chung, bao gồm cả cổ phần ưu đãi.

ROE=Thu nhập ròng/ tổng vốn cổ phần bình quân
Trong đó: vốn cổ phần bình quân= (tổng vốn cổ phần năm trước+ tổng vốn cổ phần hiện tại) / 2

Tỷ suất sinh lợi trên tổng vốn ( ROTC)

Tổng vốn được định nghĩa là tổng nợ phải trả và vốn cổ phần cổ đông. Chi phí lãi vay được định nghĩa là tổng chi phí lãi vay phải trả trừ đi tất cả thu nhập lãi vay ( nếu có). Chỉ số này đo lường tổng khả năng sinh lợi trong hoạt động của doanh nghiệp từ tất cả các nguồn tài trợ

ROTC = (thu nhập ròng+ chi phí lãi vay)/ tổng vốn trung bình

Chỉ số hiệu quả hoạt động:
Vòng quay tổng tài sản:
Chỉ số này đo lường khả năng doanh nghiệp tạo ra doanh thu từ việc đầu tư vào tổng tài sản . Chỉ số này bằng 3 có nghĩa là : với mỗi đô la được đầu tư vào trong tổng tài sản, thì công ty sẽ tạo ra được 3 đô la doanh thu. Các doanh nghiệp trong ngành thâm dụng vốn thường có chỉ số vòng quay tổng tài sản thấp hơn so với các doanh nghiệp khác.

Vòng quay tổng tài sản= doanh thu thuần/ tổng tài sản trung bình

Vòng quay tài sản cố định:
Cũng tương tự như chỉ số vòng quay tổng tài sản chỉ khác nhau và với chỉ số này thì chỉ tính cho tài sản cố định
Vòng quay tài sản cố định= doanh thu thuần/ tài sản cố định trung bình

Vòng quay vốn cổ phần:
Chỉ số này đo lường khả năng doanh nghiệp tạo ra doanh thu từ việc đầu tư vào tổng vốn cổ phần( bao gồm cổ phần thường và cổ phần ưu đãi). Tỷ số này bằng 3 có nghĩa là với mỗi đô la đầu tư vào vốn cổ phần, công ty sẽ tạo ra 3 đô la doanh thu.
Vòng quay vốn cổ phần= doanh thu thuần/ tổng vốn cổ phần trung bình.

3. Chỉ số rủi ro

Chỉ số rủi ro kinh doanh

Rủi ro kinh doanh được định nghĩa như là rủi ro liên quan đến những biến động trong doanh thu. Để đo lường rủi ro kinh doanh ngưòi ta dùng nhiều phương thức từ đơn giản đến phức tạp.

Phương thức đơn giản:


Bốn chỉ số dưới đây đại diện cho phương thức đơn giản trong việc tính toán các chỉ số rủi ro kinh doanh. Rủi ro kinh doanh là rủi ro mà công ty có thể kiếm được ít tiền hơn hoặc tệ hơn là mất tiền khi doanh số giảm xuống. Trong một môi trường có doanh số đang trên đà sụp giảm, một công ty có thể thua lỗ nếu công ty ấy sử dụng chi phí cố định quá nhiều. Nếu phần lớn chi phí trong công ty chỉ là chi phí biến đổi thì nó sẽ ít khi nào rơi vào tình trạng trên. Tất cả các doanh nghiệp đều sử dụng chi phí cố định và chi phí biến đổi. Do vậy việc hiểu được cấu trúc chi phí cố định của doanh nghiệp thật sự là điều cần thiết khi đánh giá rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp đó. Một vài chỉ số thường được sử dụng là :

Chỉ số biên lợi nhuận phân phối.

Chỉ số này cho biết phần lợi nhuận tăng thêm từ sự thay đổi của mỗi đô la trong doanh thu. Nếu chỉ số biên phân phối lợi nhuận của công ty bằng 20%, sau đó nếu có sự sụp giảm $50.000 trong doanh thu thì sẽ có sự sụp giảm $10.000 trong lợi nhuận

Biên phân phối= 1 - (chi phí biến đổi/ doanh thu)

Mức độ ảnh hưởng của đòn bẩy kinh doanh (OLE)

Chỉ số đòn bẩy kinh doanh được sử dụng để dự đoán bao nhiêu phần trăm thay đổi trong thu nhập và tỷ suất sinh lợi trên tài sản đối với mỗi phần trăm thay đổi trong doanh thu.
Nếu doanh nghiệp có OLE lớn hơn 1 thì sau đó đòn bẩy kinh doanh vẫn được duy trì. Nếu OLE bằng 1, sau đó tất cả các chi phí là biến đổi, vì vậy cứ 10% gia tăng trong doanh thu, thì ROA của công ty cũng gia tăng 10%

chỉ số ảnh hưởng đòn bẩy kinh doanh ( OLE)= chỉ số Biên lợi nhuận phân phối/ phần trăm thay đổi trong thu nhập (ROA)

Mức độ ảnh hưởng đòn bẩy tài chính( FLE):

Công ty sử dụng nợ để tài trợ cho các hoạt động, do đó sẽ tạo nên ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính và gia tăng tỷ suất sinh lợi cho các cổ đông, thể hiện rủi ro kinh doanh tăng thêm khi doanh thu thay đổi.
FLE = thu nhập hoạt động/ thu nhập thuần.

Nếu một công ty có FLE bằng 1.33 thì, khi thu nhập hoạt động gia tăng 50% sẽ tạo nên sự gia tăng 67% trong thu nhập ròng.
Chỉ số hiệu ứng đòn bẩy tổng thể (TLE) bằng sự kết hợp giữa OLE và FLE ta có hiệu ứng đòn bẩy tổng thể (TLE).

TLE được xác định bằng:
TLE= OLE x FLE

Trong ví dụ trước, doanh số gia tăng $50.000, OLE bằng 20% và FLE bằng 1.33. Chỉ số hiệu ứng đòn bẩy tồng thể bằng $13,333, ví dụ, thu nhập ròng sẽ tăng $13.33 cho mỗi $50.000 doanh thu tăng thêm.

Chỉ số rủi ro tài chính
Các chỉ số về rủi ro tài chính liên quan đến cấu trúc tài chính của công ty
Phân tích việc sử dụng nợ của công ty.

Tỷ số nợ trên tổng vốn:

Chỉ số này cho thấy tỷ lệ nợ được sử dụng trong tổng cấu trúc vốn của công ty. Tỷ số nợ trên vốn lớn ám chỉ rằng các cổ đông đang thực hiện chính sách thâm dụng nợ và và do đó làm cho công ty trở nên rủi ro hơn.

Nợ trên tổng vốn= tổng nợ/ tổng vốn
Trong đó:
Tổng nợ = nợ ngắn hạn + nợ dài hạn
Tổng vốn = tổng nợ + tổng vốn chủ sở hữu.

Tỷ số nợ trên vốn cổ phần:
Nợ trên vốn cổ phần= tổng nợ/ tổng vốn cổ phần

Phân tích các chỉ số khả năng thanh toán lãi vay
Chỉ số khả năng thanh toán lãi vay:
Chỉ số này cho biết với mỗi đồng chi phí lãi vay thì có bao nhiêu đồng EBIT đảm bảo thanh toán và được đo lường:
Khả năng thanh toán lãi vay = thu nhập trước thuế và lãi vay ( EBIT)/ lãi vay

Chỉ số khả năng thanh toán các chi phí tài chính cố định:

Trong doanh nghiệp ngoài lãi vay thì còn một số chi phí tài chính cố định khác như chi phí thuê tài chính, thuê hoạt động,…
Chỉ số khả năng thanh toán các chi phí tài chính cố định = thu nhập trước các chi phí tài chính cố định/ chi phí tài chính cố định

Khả năng tiền mặt đảm bảo chi trả lãi vay:

Dòng tiền hoạt động điều chỉnh được định nghĩa là dòng tiền hoạt động + chi phí tài chính cố định + thuế phải trả
Khả năng tiền mặt đảm bảo chi trả lãi vay = dòng tiền hoạt động điều chỉnh/ chi phí lãi vay

Khả năng tiền mặt đảm bảo chi trả các chi phí tài chính cố định
:
Khả năng tiền mặt đảm bảo chi trả các chi phí tài chính cố định = dòng tiền hoạt động điều chỉnh / chi phí tài chính cổ định

Chỉ số chi tiêu vốn :

Chỉ số này cho biết thông tin bao nhiêu tiền mặt được tạo ra từ hoạt động của doanh nghiệp sẽ được để lại sau khi thực hiện các nghĩa vụ thanh toán của chi tiêu vốn để phục vụ cho các khoản nợ của công ty. Nếu chỉ số này bằng 2, có nghĩa là công ty đang hoạt động bằng 2 lần so với những gì nó thật sự cần để tái đầu tư cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, phần thặng dư có thể được phân bổ để trả bớt nợ.

Chỉ số chi tiêu vốn = dòng tiền hoạt động/ chi tiêu vốn.

Chỉ số dòng tiền với nợ:

Chỉ số này cung cấp thông tin cho biết bao nhiêu tiền mặt của công ty tạo ra từ hoạt động có thể được sử dụng để trả tổng nợ
Chỉ số dòng tiền so với nợ = dòng tiền từ hoạt động/ tổng nợ


4. Chỉ số tăng trưởng tiềm năng

Chỉ số tăng trưởng
G =RR x ROE
Trong đó: RR= Tỷ lệ lợi nhuận giữ lại = 1- ( cổ tức/ tổng thu nhập ròng)
ROE = thu nhập ròng / tổng vốn chủ sở hữu= thu nhập ròng/ doanh thu * doanh thu/ tổng tài sản * tổng tài sản/ vốn cổ phần.

Trên đây là một số các chỉ số tài chính cơ bản nhằm đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh cũng như khả năng tài chính và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên cần phải hết sức lưu ý rằng các chỉ số đứng một mình thì nó cũng không có nhiều ý nghĩa. Các nhà phân tích khi sử dụng các chỉ số tài chính cần phải kết hợp với nhiều yếu tố khác thí dụ như:

Chỉ số trung bình ngành: So sánh công ty với trung bình ngành là dạng so sánh phổ biến hay gặp
So sánh trong bối cảnh chung của nền kinh tế: Đôi khi cần phải nhìn tổng thể chu kỳ kinh tế, điều này sẽ giúp nàh phân tích hiểu và dự đoán được tình hình công ty trong các điều kiện thay đổi khác nhau của nền kinh tế, ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái.
So sánh với kết quả hoạt động trong quá khứ của doanh nghiệp : đây cũng là dạng so sánh thường gặp. So sánh dạng này tương tự như phân tích chuỗi thời gian để nhìn ra khuynh hướng cho các chỉ số.

Hạn chế của các chỉ số tài chính:

Dưới đây là các hạn chế của chỉ số tài chính mà các nhà phân tích nên lưu tâm:

* Nhiều công ty lớn hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của các ngành khác nhau. Đối với những công ty như thế này thì rất khó tìm thấy một loạt các chỉ số ngành có ý nghĩa.
* Lạm phát có thể là yếu tố làm cho bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp bị” bóp méo” đi đáng kể. Trong trường hợp này, lợi nhuận có thể cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên phân tích các chỉ số tài chính của một công ty qua thời gian hay qua phân tích so sánh với các đối thủ cạnh tranh nên được xem xét kỹ càng
* Yếu tố mùa vụ cũng có thể là sai lệch các chỉ số tài chính. Hiểu yếu tố mùa vụ ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp có thể giảm thiểu khả năng hiểu sai các chỉ số tài chính. Ví dụ, hàng tồn kho của doanh nghiệp bán lẻ có thể cao trong mùa hè để chuẩn bị cung cấp cho khách hàng vào năm học mới. Do đó, khoản phải trả của doanh nghiệp tăng lên và ROA của nó thấp xuống.
* Các phương pháp kế toán khác nhau cũng có thể bóp méo sự so sánh giữa các công ty với nhau, thậm chí là ngay trong 1 công ty.
* Thật khó để nhận định được một chỉ số là tốt hay xấu. Một chỉ số tiền mặt cao trong quá khứ đối với công ty tăng trưởng có thể là một dấu hiệu tốt, nhưng cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy công ty đã chuyển qua giai đoạn tăng trưởng và nên được định giá thấp xuống.
* Một công ty có thể có những chỉ số tốt và cả những chỉ số xấu, do vậy thật khó mà nói được đó là một công ty mạnh hay yếu.

Nói chung, phân tích chỉ số một cách máy móc thì rất nguy hiểm. Nói cách khác, sử dụng chỉ số phân tích tài chính một cách thông minh sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin bổ ích.

Đề phòng khủng hoảng tiền tệ

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Một cuộc khủng hoảng tiền tệ đã được tạo ra bởi sự vô cảm và chính sách tránh trách nhiệm của các một cơ quan tiền tệ quốc tế: Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở thế giới thứ ba xảy ra bởi vì các nước kém phát triển đã vay mượn quá mức và các ngân hàng thương mại Châu Âu và Hoa Kỳ cho vay quá bừa bãi .
Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở các nước phát triển trong thập niên 70-80 được tạo ra vì Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế không nghe lời khuyến cáo của những người có nhiều kinh nghiệm và thực hành  trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng hơn họ.
Trong suốt thời gian nắm cương vị CEO, và sau đó là thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, cùng một lúc với chức chủ tịch tổng giám đốc Việt Nam Thương Tín, ngân hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam - mà chính tôi đã thành lập năm 1955 - tôi đã từng chứng kiến một “lũ“ đại diện của các ngân hàng thương mại Âu, Mỹ, nhào đến như một dòng chảy không ngớt, chỉ để chào mời các khoản cho vay và các khoản tín dụng khác cho các ngân hàng thương mai và cả ngân hàng trung ương nữa .
Vì lợi ích của quốc gia, và nhất là để tránh cho đất nước nạn vay mượn bừa bãi, quá mức trong tương lai, tôi luôn khước từ các khoản cho vay; nhưng rất nhiều quốc gia ở Nam Á, Châu Mỹ La Tinh và châu Phi lại rất sẵn lòng và vui mừng đón nhận những đề nghị cho vay, những quyết định sai lầm mà sau này, họ ân hận chua xót suốt đời. Bởi vì họ phải đối diện với các khoản nợ đến ngày đáo hạn không trả nổi, và đất nước họ rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả một cách nghiêm trọng.
 
Nhưng tôi vẫn nhận thấy, các ngân hàng thương mại của các quốc gia phát triển đã nỗ lực cho những quốc gia kém phát triển vay mượn, nơi mà người ta không có ý thức về sự nguy hiểm và hậu quả của các khoản vay mượn bừa bãi, quá mức, cho đất nước họ.
Tại thời điểm đó, tôi có thể hình dung được những nguy cơ hiểm họa của các khoản vay mượn quá định mức và hậu quả thảm hại trên hệ thống tiền tệ các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, nếu những quốc gia này không giữ được chữ tín trong các hợp đồng thỏa thuận cho vay. Lúc đó tôi cũng đã thấy, sự khủng hoảng trong hệ thống tiền tệ của các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, có thể  có ảnh hưởng rất tai hại cho nên kinh tế của họ, sau một lọat khoản vay không có khả năng chi trả. Lần lượt, sự kiện này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc trao đổi vốn giữa những quốc gia phát triển và kém phát triển, tạo ra hậu quả tai hại và ngăn trở thương mại và phát triển quốc tế.
Năm 1968, sau khi nhận chức quản tri viên phụ khuyết Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tôi đã cảnh báo Quỹ, sự nguy hiểm và hậu quả tai hại của sự vay mượn bừa bãi, quá mức của  thế giới đang phát triển. Một vị Phó Giám đốc sở Á Châu, quốc tịch Canada với nhiều bằng Tiến sĩ đã trao đổi cùng tôi và nói rằng: Đó không phải là trách nhiệm của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và tôi không nên băn khoăn về tác động đối với hệ thống tiền tệ quốc tế.
Quả là một cái nhìn quá thiển cận ! Tôi đã cố gắng cảnh báo vị có thẩm quyền cao hơn nhưng lời cảnh báo cửa tôi cũng bị khước từ.
Trong suốt những thập niên 70 và 80, thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng tiền tệ khốc liệt vì các khoản nợ bên ngoài của các nước kém phát triển, không thể chi trả , làm rung chuyển nền tảng của hệ thống tiền tệ của họ, với hậu quả thảm khốc trong dòng trao vốn giữa thế giới phát triền và thế giới đang phát triển, dẫn đến một ảnh hưởng thê thảm trong nền kinh tế và tính hình ổn định của các quốc gia kém phát triển.
Cuối thập niên 70, trung bình nhập khẩu của họ bớt 15%, xuất khẩu xuống 4.2%, vốn đầu tư mất 20% và thu nhập bình quân đầu người hạ hơn 2%. Ngay sau đó, khoản nợ nước ngoài của các quốc gia kém phát triển đã đi vào một “vòng xoáy” rất mạnh, làm  khủng hoảng hệ thống tiền tệ thế giới bùng nổ.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế được kêu gọi để nghiên cứu, đánh giá khủng hoảng và đưa ra các giảỉ pháp cải tổ để phục hồi hệ thống tiền tệ thế giới. Khôi hài thay, vì ngày trước Quỹ đã từ chối lời khuyến cáo để tránh nạn khủng hoảng tiền tệ này.
Nếu ta lấy tất cả các bằng tiến sĩ và các bằng cấp uy tín của nhân viên cao cấp của Quỹ (IMF) và kết hợp với nhau vào một đống, ta sẽ có một núi vàng “Parchemins”, nhưng họ không tài nào có những kinh nghiệm ứng dụng thực hành của họat động ngân hàng cho vay và sự không trả nợ nổi của khách hàng. Bởi vậy, họ sẽ không tài nào tiên liệu được hậu quả của số vay mượn không chi trả khổng lồ, trên  bất kỳ hệ thống tiền tệ nào…
Họ có thể có dịp tranh luận những vấn đề đó với những người đã học, thu lượm kiến thức và kinh nghiệm về các khía cạnh của việc cho vay vượt chuẩn cũng như  thất bại tràn lan việc không trả nợ.

Nhưng nhân viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế , thường hay kiêu ngạo,  chẳng bao giờ lắng nghe để học hỏi từ bất cứ ai. Điều này tôi đã từng chứng kiến trong suốt thời gian tham dự hội đồng quản trị của Quỹ và làm việc trong Quỹ, mà tôi là thành viên cả 15 năm trời. Không có kiến thức về những họat động ngân hàng, họ không có ý thức gì về tác động của những bất ổn ngân hàng, những điều có thể ảnh hưởng lớn lao cho hệ thống tiền tệ thế giới mà họ có bổn phận phải  nghiên cứu và theo dõi mỗi ngày để tránh được những tai ương và nguy hiểm cho tòan thế giới.Tôi đã từng đề nghị nhiều lần Quỹ nên chọn thuê những giám đốc điều hành ngân hàng xuất sắc để bổ sung cho “mớ” nhân viên thuần lí thuyết của họ. Thế nhưng lời khuyên của tôi không bao giờ được lắng nghe một cách nghiêm túc. Khi tôi nghỉ về hưu tại Quỹ, sở ngân hàng trung ương, chỉ có duy nhất một nhân viên có kinh nghiệm về họat động ngân hàng trung ương, nhưng không có một ai được huấn luyện về nghiệp vụ ngân hàng thương mại….Bà Giám Đốc mới vừa nhậm chức là một kinh tế gia chưa bao giờ có sự hiểu biết hay kinh nghiêm ngành ngân hàng. Đó là l
‎ý do tại sao hỗ trơ kỹ thuật của Quỹ đối các quốc gia đang phát triển không bao giờ đầy đủ và thực sự hữu dụng…

Giải pháp cho nợ quá hạn

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Khi các hóa đơn không được thanh toán, có thể bạn phải thuê một đại lý thu nợ. Sau đây là các lời khuyên để tìm kiếm một giải pháp đúng.

Các hóa đơn chưa được thanh toán làm giảm dòng tiền của các doanh nghiệp. Đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ, việc theo dõi các hóa đơn này là một việc tốn nhiều chi phí và công sức.
Để thu lại tiền, nhiều công ty cầu viện đến các đại lý thu nợ. Các tổ chức này chuyên môn hóa trong việc thu các khoản nợ quá hạn.

Hầu hết các doanh nghiệp mang đến các đại lý thu nợ các khoản nợ quá hạn khoảng 8 tháng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thì đó là các khoản nợ quá 3 tháng.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thực tế cần thiết để bạn thuê đại lý thu nợ cho việc kinh doanh của bạn. Các đề mục được liệt kê dưới đây có ích cho bạn và bạn có thể đọc chúng từ đầu đến cuối hay chuyển nhanh đến mục nào mà bạn quan tâm.

Các đại lý thu nợ hoạt động như nào?

Các đại lý thu nợ sẽ cố gắng thu nợ theo hai cách sau:

Bằng thư và điện thoại

Đối với các khoản nợ lớn, họ thường gửi thư và gọi điện đến các tài khoản nợ.

Chỉ dùng thư

Các khoản nợ nhỏ hơn sẽ không tương xứng với chi phí điện thoại, vì thế các đại lý thu nợ thường chỉ gửi các lá thư cảnh cáo.

Lựa chọn dịch vụ

Lựa chọn một dịch vụ thu nợ là việc khó khăn vì rất khó tiên đoán trước được khả năng thu nợ thành công. Có một vài lĩnh vực cần được xem xét quyết định khi chọn lựa dịch vụ thu nợ.

Phương thức thu hồi

Bạn cần xem xét các lá thư xem chúng được sử dụng ra sao và có hiệu quả với khách hàng của bạn không. Cũng nên hỏi về các nhân viên gọi điện thu nợ để đảm bảo rằng họ hiểu Đạo luật thực hành thu nợ công bằng.
Đạo luật ban hành năm 1977 này yêu cầu các nhân viên thu nợ phải đối xử với các con nợ một cách công bằng, chính đáng thông qua việc ngăn cấm một số hình thức thu nợ.

Dịch vụ này sẽ mang lại gì cho bạn

Hãy tìm hiểu:
•    Các thông tin về tài khoản không trả đúng hạn sẽ được chuyển tới đại lý thu nợ như thế nào?
•    Khi nào thì số tiền thu được sẽ được chuyển về cho bạn?
•    Các báo cáo nào cung cấp thông tin về quá trình thu nợ và tỷ lệ thành công ?
•    Làm thế nào bạn ngưng sử dụng dịch vụ thu nợ nếu như bạn nhận được thanh toán?

Họ xử lý các trường hợp mất liên lạc với con nợ ra sao

Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng khi thu nợ từ cá nhận. Khi các con nợ biến mất và không thể liên lạc trực tiếp được thì các đại lý thu nợ sẽ phải sử dụng khả năng tìm kiếm trực tuyến, danh bạ điện thoại để tìm ra con nợ.

Danh tiếng của đại lý
Hãy tham khảo các ý kiến từ các khách hàng có tình huống tương tụ và tìm hiểu xem liệu đại lý thu nợ có tuân thủ giấy phép và luật hợp đồng hay không.

Trước khi thuê một đại lý

Có nhiều hành động để bạn giảm bớt chi phí trước khi thuê một đại lý thu nợ.

Hãy cẩn thận khi cung cấp tín dụng

Hãy kiểm tra cẩn thận các khoản cho vay mới và đừng mở rộng tín dụng hơn khả năng kiểm soát của công ty.

Hãy giải thích các điều khoản giao dịch một cách rõ ràng

Khi mở rộng các khoản cho vay mới, hãy đảm bảo rằng bạn cho khách hàng biết bạn muốn nhận thanh toán vào lúc nào và làm rõ các chế tài phạt, thưởng cho việc trả muộn hay sớm.

Hãy theo sát các con nợ

Đừng mong chờ khách hàng sẽ tự báo cảnh sát thay vì đó hãy thường xuyên gửi các nhắc nhở và cảnh báo về ngày đến hạn.

Hãy xây dựng chuỗi các thông cáo quá hạn

Bạn nên thường xuyên nhắc nhở thông qua thư hoặc lời nói thậm chí ngay cả khi bạn cân nhắc sử dụng dịch vụ thu nợ. Điều này không tiết kiệm chi phí nhưng để tránh việc nản lòng khi sử dụng bên thứ ba để thu nợ.

Hãy đặt một thời hạn chính xác và bám chắc vào đó

Như là bước cuối cùng, hãy xác định một thời hạn chót. Đừng thay đổi thời hạn chót này và cảnh báo con nợ về ngày này.

Giá cả

Các đại lý thu nợ thường hoạt động trên cơ sở các sự kiện có khả năng xảy ra với xác xuất (thu được nợ hoặc không). Điều này có nghĩa là họ sẽ thu một phần trăm nhất định của giá trị thu nợ. Tùy theo giá trị khoản nợ, phần hoa hồng này sẽ từ 10% đến 50%. Một số đại lý khác có thể sẽ yêu cầu các khoản trả trước và tất nhiên họ sẽ giảm tỷ lệ phần trăm mà họ nhận trong trong khoản nợ thu hồi sau đó.

Một lợi ích của việc thanh toán theo cơ sở các khoản nợ thu hồi được đảm bảo rằng bạn sẽ không phải trả chi phí dịch vụ cho các khoản nợ không thu hồi được Tuy nhiên, đối với các khoản nợ nhỏ, có một số đại lý thu nợ không cung cấp dịch vụ theo hình thức trên. Trong trường hợp này bạn sẽ phải trả một khoản phí dịch vụ cố định cho thư tín và điện thoại.

Các lời khuyên khi sử dụng dịch vụ

Hãy cần thận và tỉ mỉ

Khi ủy quyền cho một bên thứ ba thu nợ cho bạn, hãy cung cấp cho họ mọi thông tin bạn có về con nợ, bao gồm các khoản mục và các thông tin liên lạc (địa chỉ liên lạc cho công việc và địa chỉ cá nhân) giữa bạn và con nợ.
Hãy đảm bảo rằng đại lý bạn thuê đã được cấp giấy phép hoạt động

Một số bang yêu cầu các đại lý thu nợ phải được cấp phép trước khi họ tiếp cận với con nợ. Hãy liên lạc với Hiệp Hội Thu Hồi nợ của Mỹ (Contact the American Collectors Association 612/926-6547) hoặc đại diện quản lý thu nợ của
Bang để biết thêm về các yêu cầu này.

Hãy yêu cầu thông tin nhiều hơn là việc chỉ biết hộp thư của khách hàng

Để gia tăng khả năng kiểm soát một cá nhân hoặc một doanh nghiệp, hãy luôn hỏi khách hàng của bạn một địa chỉ cụ thể (thậm chí ngay cả khi bạn gửi tài liệu, hàng hóa thông qua hộp thư). Hãy hỏi số điện thoại, mã số an toàn xã hội. Cũng nên làm việc với các cơ quan báo cáo độ tín nhiệm. Mọi thông tin này sẽ rất có ích trong việc xác định và tìm kiếm một cá nhân khi họ thay đổi hộp thư, địa chỉ hoặc số điện thoại.

Giải pháp tăng vốn từ nhà đầu tư không chính thức

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Sự khốn khổ là trong các chi tiết khi nhận và vạch kế hoạch để xử lý số tiền từ bạn bè, gia đình và những người đầu tư có lòng tốt.

Không quan trọng việc bạn đang tăng vốn từ ai và liệu dưới hình thức nợ hay quỹ cổ phần thì bạn sẽ phải đối mặt với viễn cảnh của những thoả thuận tài chính mà được viết có lợi cho nhà đầu tư hơn so với nhà doanh nghiệp.
Những thoả thuận này được sử dụng bởi nhiều nhà đầu tư không chính thức qua nhiều năm thì sẽ trở thành hình ảnh phản chiếu của các thoả thuận dễ dàng cho nhà đầu tư được sử dụng bởi các công ty đầu tư vốn mạo hiểm. Do đó quan trọng để biết được sự khác biệt giữa cái gì là có thể chịu đựng được và cái gì là không thể chịu được khi lập kế hoạch cho một vấn đề về tài chính đặc biệt là trong giai đoạn khởi đầu khi sức mạnh đàm phán của bạn thường là yếu hơn so với các nhà đầu tư.

Nguyên tắc chỉ đạo của bạn nên là: Hãy nhìn vào trong quả cầu pha lê của bạn và lựa chọn nhà đầu tư đầu tiên của bạn một cách cẩn thận. Không nên đồng ý với các điều khoản mà sẽ giới hạn hay hạn chế hoàn toàn khả năng của bạn trong việc phát triển công ty hay thu hút thêm các nhà đầu tư. Khi tăng vốn từ các nhà đầu tư có lòng tốt hay họ hàng và bạn bè, các điều khoản mà được thoả thuận bởi nhà đầu tư đầu tiên của bạn trong một chu kỳ tài chính có xu hướng trở thành các điều khoản mà sẽ kéo dài cho toàn bộ chu kỳ. Tương tự như vậy, các điều khoản mà bạn đồng ý trong chu kỳ đầu tiên của bạn sẽ đặt ra phạm vi hoạt động cho các chu kỳ sau đó. Và việc từ bỏ quá nhiều có thể quay ngược trở lại làm tổn thương bạn và doanh nghiệp của bạn.

Do đó đây là một số lời khuyên về việc đề phòng cái gì để có được một vụ giao dịch có lợi cho bạn:

Không trao những quyền theo tỷ lệ cho những nhà đầu tư đầu tiên của bạn. Nếu nhà đầu tư đầu tiên của bạn (hay luật sư của ông ta hoặc bà ta) thương lượng về những quyền theo tỷ lệ (có nghĩa là nhà đầu tư đó được trao quyền để duy trì quyền sở hữu trong công ty thông qua các chu kỳ đầu tư tương lai) thì tất cả các nhà đầu tư trong chu kỳ đó cũng có thể muốn những quyền đó… ngay cả khi phần lớn họ đều không muốn nếu không họ đã yêu cầu chúng. Mặc dù các dự phòng chống lại sự mất giá trị là sự quan tâm của những nhà đầu tư ban đầu thì chúng lại trở nên phiền hà đối với những nhà đầu tư sau này. Do đó bạn sẽ cần phải cân đối lại những nhu cầu của các nhà đầu tư ban đầu của bạn để bảo vệ tiền góp vốn của họ trong công ty chống lại việc công ty của bạn trông sẽ hấp dẫn như thế nào đối với các nhà đầu tư có tính chất tổ chức sau này.

Tránh việc trao quyền được can thiệp quá mức cho quá nhiều người. Tâm lý theo sau người lãnh đạo được mô tả ở trên đặc biệt trở nên khó giải quyết khi bạn từ bỏ sự kiểm soát đối với doanh nghiệp và yêu cầu nhà đầu tư đồng ý cho các quyết định kinh doanh. Nếu bạn không cẩn thận, bạn có thể thấy bản thân mình trong tư thế buồn tẻ và tốn thời gian cho các chữ ký cần thiết từ tất cả hoặc phần lớn các cổ đông của bạn để đưa ra các quyềt định tài chính tương lai hoặc những lựa chọn quản lý - tất cả bởi vì bạn đã trao những quyền đó cho nhà đầu tư đầu tiên của bạn. Tương tự, một số nhà đầu tư sẽ muốn các báo cáo chi tiết trên cơ sở hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng quý. Nên đồng ý chỉ với một khi nó dường như là cần thiết. Tốn nhiều thời gian cho việc chuẩn bị và gửi những báo cáo, và cho việc yêu cấu và thu thập các chữ ký có thể không phải là cách sử dụng tốt nhất thời gian của bạn.

Thận trọng với bất kỳ những hạn chế nào được đặt vào tiền đền bù quản lý. Trong nhiều năm trước, nhóm nhà đầu tư có lòng tốt đã bắt đầu “trên tầm với” bằng cách thêm vào các điều khoản trong các thoả thuận tài chính mà hạn chế tiền lương của ban quản lý cấp cao. Trong khi những hạn chế kiểu này có thể có ý nghĩa cho các doanh nghiệp đang hết tiền hoặc các doanh nghiệp mà trong đó ban giám đốc quá thoải mái với ban quản lý cấp cao, thì các nhà doanh nghiệp nên thận trọng với việc đồng ý những hạn chế như vậy. Những hạn chế tuỳ tiện trong việc bạn có thể trả cho những người làm thuê hàng đầu của bạn bao nhiêu có nghĩa là bạn đang hạn chế khả năng của bạn để thu hút những người tốt nhất vào thời điểm bạn cần họ nhất. Thay vào đó cái mà bạn có thể làm là đồng ý thành lập một uỷ ban đền bù cho doanh nghiệp mới của bạn và xem xét lại các khoản lương như là một phần của tổng ngân sách.

Yêu cầu một giai đoạn chữa trị. Để bảo vệ bản thân họ, các nhà đầu tư có thể muốn bạn đồng ý với các điều khoản và những tuyên bố về công ty của bạn mà có thể là khó khăn cho một công ty mới thành lập bị thiếu vốn để chấp nhận. Những điều này có thể bao gồm những tuyên bố về mọi thoả thuận pháp lý mà doanh nghiệp của bạn đã từng tham gia, và những sự đảm bảo rằng công ty của bạn tuân thủ tất cả các luật, những sự cho phép và những quy định ở mọi bang. Phần lớn các thoả thuận sẽ chỉ ra rằng bạn sẽ bị vỡ nợ theo thoả thuận nếu như bạn vi phạm bất kỳ điều khoản nào của nó.

Đồng ý với những điều khoản có tầm ảnh hưởng rộng như vậy thường sẽ là khó khăn đối với các nhà doanh nghiệp lương thiện. Một cách để giải quyết vấn đề này là đảm bảo rằng bạn có một “giai đoạn chữa trị” trong các thoả thuận tài chính của bạn. Bạn nên thương lượng một giai đoạn chữa trị khoảng từ 2 đến 4 tuần để cho phép bản thân mình có thời gian sửa chữa những sai lầm của bạn. Miếng đệm này sẽ cho bạn thời gian mà bạn cần để tìm ra giải pháp hoặc một nhà đầu tư “hiệp sĩ trắng” nếu như bạn bị nguy hiểm.

Hạn chế những hạn chế về cổ phần của bạn. Về mặt lịch sử, bạn bè, gia đình và những nhà đầu tư có lòng tốt sẽ không yêu cầu thêm vào những sự hạn chế về việc bán các cổ phiếu được sở hữu bởi những người sáng lập hoặc của đội quản lý. Những hạn chế này thường đã được thêm vào trong các chu kỳ vốn mạo hiểm của việc tài trợ mà vẫn giữ những người sáng lập hoặc đội quản lý như là một sự cần thiết để làm cho việc kinh doanh có hiệu quả.

Tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng các nhóm nhà đầu tư có lòng tốt đã bắt đầu yêu cầu những hạn chế này thậm chí cả trong các chu kỳ đầu tiên. Trong khi không chắc chắn rằng các cổ phần của những người sáng lập có nhiều giá trị thị trường trong những chu kỳ đầu tiên và cũng không có khả năng rằng ai đó sẽ muốn mua chúng thì việc đồng ý với những hạn chế như vậy không phải là một ý kiến tốt. Nếu bạn biết rằng bạn có kế hoạch tăng thêm vốn thì việc có được những cổ phần không bị hạn chế thường lạ một trong những mảnh vỡ thoả thuận của bạn với các nhà đầu tư tương lai.

Khi tăng vốn từ bất kỳ kiểu nhà đầu tư nào thì một ý kiến tốt là nói chuyện với luật sư của bạn về việc liệu ông ta hoặc bà ta đang xem xét thị trường vốn có lợi cho nhà đầu tư hoặc có lợi cho nhà doanh nghiệp. Nếu nó không có lợi thì kinh nghiệp cần kiên nhẫn chỉ ra rằng xu hướng sẽ luôn luôn đổi hướng.

Đua mở rộng tín dụng: Lạm phát... rình rập

Posted by Unknown Thứ Tư, tháng 2 03, 2010, under | No comments

Song song với việc đẩy mạnh vốn hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thông qua các gói hỗ trợ lãi suất (LS), kích cầu, nhiều ngân hàng (NH) đang vào cuộc đua cạnh tranh về tín dụng tiêu dùng. Mở rộng van tín dụng, kéo dài thời hạn, nới lỏng điều kiện và linh hoạt trong việc trả nợ… là những chiêu thức đang dần được các nhà băng đưa vào áp dụng.


Chẳng hạn, ABBank nâng mức vay mua nhà từ 70% lên 90% giá trị tài sản đảm bảo và tặng bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng. Ngoài ra, khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa 36 tháng với LS 1%/tháng (12%/năm). Thời gian trả nợ kéo dài tới 20 năm. Có thể trả góp đều lãi giảm dần hoặc trả theo phương thức góp đều một khoản cố định trong thời gian vay.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBank Đàm Thế Thái cho biết, cho vay mua nhà là sản phẩm chiến lược của Ngân hàng, kỳ vọng dư nợ đối với loại hình tín dụng này sẽ chiếm 50% trong tổng danh mục cho vay.

Nhằm kích thích tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu vay mua nhà, xe ôtô của khách hàng, SeABank táo bạo đưa ra sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp, không cần chứng minh mục đích sử dụng. Kể từ ngày 2/6, khách hàng được vay tối đa 70% giá trị căn nhà trong thời hạn 180 tháng; 75% giá trị xe mới và 50% giá trị đối với xe cũ, thời gian vay tối đa 60 tháng; hạn mức vay thấp nhất là 50 triệu đồng.

Điểm đáng chú ý là với tín dụng tiêu dùng tín chấp, SeABank cấp tối đa lên tới 500 triệu đồng trong vòng 60 tháng, tùy thuộc vào khả năng trả nợ, mà không cần tài sản đảm bảo và không cần chứng minh mục đích sử dụng vốn.

Mặt bằng LS cho vay VND tiếp tục ổn định. LS cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến từ 8,5 - 10%/năm; trung và dài hạn 10 - 10,5%/năm; LS cho vay sau khi trừ đi phần hỗ trợ (4%/năm) phổ biến ở mức 4,5 - 6%/năm; LS cho vay USD giảm từ 0,5 - 2%/năm, hiện phổ biến ở mức 3 - 4%/năm. LS cho vay thỏa thuận đối với khách hàng cá nhân có chiều hướng giảm dần. Nhiều ngân hàng như ACB, Sacombank, Eximbank điều chỉnh giảm LS, mức thấp nhất còn 10,5%/năm.

Cuộc cạnh tranh về thị phần tín dụng DN, đặc biệt là khách hàng cá nhân đang dần nóng lên trước nhu cầu vốn của khách hàng có chiều hướng tăng trở lại. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, vốn đầu tư cho nền kinh tế tháng 5/2009 ước tăng 4,2% so với cuối tháng trước và tăng 14,91% so với đầu năm. Trong đó, đầu tư bằng VND ước tăng 4,96%, đầu tư bằng ngoại tệ tăng 0,68% so với cuối tháng trước. Trong khi đó, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tháng 5 ước tăng 3,87% so với cuối tháng trước và tăng 13,64% so với đầu năm.

Chính vì vậy, để có vốn cho vay, các NH tiếp tục tăng mạnh LS đầu vào, với mức cao nhất gần đạt 10%/năm. Nếu so sánh với trần LS cho vay đối với DN cũng như LS thỏa thuận áp dụng cho khách hàng cá nhân thì khoảng cách chênh lệch lợi nhuận mà NH thu về đang dần bị thu hẹp.

Nhưng các NH cho biết, tín dụng phát triển mới có thêm cơ hội để đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động dịch vụ. Do đó, hầu hết các NH đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 50 - 90% so với năm trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nguy cơ lạm phát cao tái bùng phát khi đẩy mạnh tín dụng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ các nước phải đẩy vốn ra kích cầu là điều khó tránh khỏi. "Một khi chính sách tài khóa mở quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ. Điều lo ngại này đang xảy ra trên toàn cầu và không loại trừ ở Việt Nam", đại diện Dragon Capital nhận định. Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2009 chỉ tăng 0,44% so với tháng 4, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với đầu năm, CPI đã tăng tới 11,59%.

Một điểm đáng chú ý khác là với các khoản vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản, theo một cán bộ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. HCM, nếu không thận trọng sẽ có nguy cơ lặp lại thực trạng của năm 2007, các NH "bơm" mạnh vốn cho vay trong khi điều kiện cho vay lỏng lẻo đã góp phần đẩy giá nhà, đất lên cao và khi bong bóng xì hơi thì nợ xấu đối với loại hình tín dụng này gia tăng. Tuy nhiên, vị cán bộ trên cho biết, tính đến hết tháng 5, dư nợ cho vay bất động sản chỉ chiếm khoảng 11% tổng dư nợ của hệ thống NH trên địa bàn, đạt 552.000 tỷ đồng.


Xem Nhiều

Bài đăng phổ biến

Lưu trữ blog

Blog Archive